Theo dự thảo báo cáo, Chính phủ nêu 3 kiến nghị với Quốc hội.
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết ngày 31-12-2023.
Thứ hai, đưa nội dung này vào nghị quyết kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (khai mạc tháng 10-2022).
Thứ ba, đề nghị Chính phủ giao TPHCM đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và kết quả thực hiện Nghị quyết 54, báo cáo Bộ Chính trị cho phép thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Tờ trình cũng cho biết, những kiến nghị này dựa trên đề nghị của TPHCM nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025, TPHCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Về quản lý đất đai, HĐND TPHCM đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843ha. Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cơ chế này là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, cần được tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Về thí điểm tăng mức thuế, phí, trong 5 năm qua, thành phố mới chỉ tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Tổng số thu tăng thêm cho ngân sách thành phố khoảng 132,6 tỷ đồng. Tuy vậy, việc thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. TPHCM kiến nghị tiếp tục được cho thí điểm nội dung này trong thời gian tới.
Về cơ chế thưởng vượt thu và đầu tư trở lại từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương trên địa bàn, TPHCM kiến nghị tiếp tục thực hiện cơ chế này trong thời gian tới nhằm bổ sung nguồn lực cho ngân sách thành phố. Năm 2021, số tiền thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho TPHCM là 1.654 tỷ đồng (gồm thưởng vượt thu 1.000 tỷ đồng và đầu tư trở lại là 654 tỷ đồng).