Khả năng là bản cập nhật cuối
Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Dựa trên những gì mà chúng tôi đánh giá, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là virus SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa nhưng mức độ nghiêm trọng của dịch sẽ giảm xuống theo thời gian khi khả năng miễn dịch tăng lên nhờ vaccine và lây nhiễm”. Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cũng thận trọng cho rằng, những đợt gia tăng số ca mắc và tử vong sẽ xảy ra theo giai đoạn khi miễn dịch suy giảm. Điều này có thể khiến việc tiêm bổ sung cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương là cần thiết.
Ông Ghebreyesus cũng cho biết, 2 kịch bản còn lại là các biến thể ít nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện và khi đó các mũi vaccine tăng cường hoặc công thức vaccine mới có thể sẽ không cần thiết, hoặc một biến thể mới sẽ xuất hiện và khiến khả năng chống lây nhiễm của vaccine giảm xuống nhanh chóng.
Đây là bản cập nhật thứ 3 của kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó chiến lược được WHO công bố. Ông Ghebreyesus cũng cho biết, đây có thể sẽ là bản cập nhật cuối cùng mà WHO đưa ra (báo cáo đầu được tổ chức này công bố tháng 2-2020, thời điểm Covid-19 bắt đầu bùng phát).
Chưa thống nhất
Trong bối cảnh nhiều dữ liệu cho thấy một mũi vaccine tăng cường tiếp tục tạo “lá chắn” hiệu quả, giảm nguy cơ phải nhập viện đối với những người cao tuổi gần 4 tháng sau khi tiêm mũi vaccine thứ 3, nhưng việc thực hiện mũi tiêm này chưa được sự thống nhất. Ngày 31-3, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza kêu gọi các nước châu Âu, các cơ quan y tế và Ủy ban châu Âu phải có quan điểm thống nhất về mũi vaccine thứ 4. Những lựa chọn không đồng nhất ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) chỉ làm mất phương hướng và không giúp ích gì cho các chiến dịch tiêm vaccine của EU.
Trong khi đó, tại Mỹ, theo báo New York Times, hàng loạt bang đã đóng cửa các điểm xét nghiệm, tiêm chủng miễn phí nhằm tiết kiệm chi phí trong khi hầu hết người dân đã trở lại các hoạt động bình thường, bất chấp số ca mắc mới vẫn tăng ở một số nơi, trong đó có New York. Trong khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép người trên 50 tuổi được tiêm mũi vaccine tăng cường thứ 2, nhiều chuyên gia y tế cộng đồng kêu gọi một số đối tượng trẻ và khỏe hơn trong nhóm trên không nên vội vã tiêm mũi thứ 4. Chính phủ Mỹ cũng giới thiệu một trang web tổng hợp (COVID.gov) để giúp mọi người có thể dễ dàng truy cập vào trang web các hiệu thuốc và trung tâm y tế cộng đồng trên toàn nước Mỹ nhằm tìm kiếm thông tin về vaccine, xét nghiệm, phương pháp điều trị, việc mang khẩu trang cũng như nhận được các dữ liệu cập nhật mới nhất về Covid-19 tại khu vực sinh sống.
Hiện việc dỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch tại một số nước cũng gặp nhiều mâu thuẫn. Trong khi kể từ ngày 1-4, nhiều nước EU như Bulgaria, Thụy Sĩ… sẽ dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế vì dịch Covid-19 thì nhiều bang của Đức muốn trì hoãn kế hoạch chấm dứt các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch thêm 4 tuần nữa khi tỷ lệ mắc Covid-19 ở nước này vẫn rất cao.
Ở Nhật Bản, trong những ngày gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 đang tái phát. Trước đó, khi Chính phủ Nhật Bản quyết định dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm trên toàn quốc từ ngày 22-3, không ít chuyên gia y tế đã cảnh báo dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại ở nước này bất kỳ lúc nào vì khi đó tốc độ giảm số ca mắc mới ở một số khu vực còn khá chậm.