Từ 9h sáng 8-9, trong buổi tọa đàm chuyên đề "Công nghệ giáo dục trong kỷ nguyên 4.0" diễn ra tại Hà Nội, GS Hồ Ngọc Đại đã dành trọn vẹn 3 giờ đồng hồ để kể, nói, và giải thích rõ hơn những vấn đề mà dư luận hiện đang tranh luận sôi động về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1- CNGD).
Cùng thời điểm, Bộ GD-ĐT đã lần đầu tiên lên tiếng chính thức về vấn đề này, sau khi dư luận đã tranh luận Kịch liệt được vài tuần.
Muốn cái tên Hồ Ngọc Đại đối diện với đời
Dành khá nhiều thời gian đầu trong bài nói chuyện của mình, GS Hồ Ngọc Đại kể về khởi đầu của việc ông đi làm nghiên cứu sinh về Tâm lý giáo dục (GD). Một người bạn vong niên của ông là GS Đặng Nghiêm Vạn đã khuyên ông đi nghiên cứu Tâm lý học. Cuối năm 1960, ông Hồ Ngọc Đại sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Lômônôxôp. Tại đây, ông may mắn được gặp các nhà sư phạm nổi tiếng như Galperin, Elkônhin, Đavưđốp.. và đã bắt đầu một quá trình vừa học, vừa nghiên cứu để xây dựng nên triết lý giáo dục của ông. Chàng trai trẻ Hồ Ngọc Đại ngày ấy với sự nhiệt thành, say mê nghiên cứu và thành quả nghiên cứu đã khiến không chỉ các GS Liên Xô mà cả xã hội “dậy sóng” với bài báo về luận án tiến sĩ của mình liên quan đến dạy Toán cho học sinh lớp 1.
Cùng với Tâm lý học, theo lời khuyên của các thầy, ông Hồ Ngọc Đại đã đọc, nghiên cứu triết học rất kỹ. Sau này về nước, tất cả các giải pháp giáo dục ông đưa ra đều có cơ sở bền vững là triết học và tâm lý học, triết lý học là định hướng, tâm lý học là thực thi. Từ 2 cái đó ông nhìn nhận lại toàn bộ các vấn đề về giáo dục. Các giải pháp sau này của ông đều trên cơ sở đó, ví dụ về toán thì học rất thật, học không phải để thi. Ông vận dụng triết học vào giáo dục, ví dụ quan điểm của Mác sức lao động làm ra tất cả, vậy thì trẻ con đi học chính là lao động. Cùng với tâm lý học, ông tự tin mình có thể giải quyết tất cả các vấn đề giáo dục.
“Với tôi, ý thức trách nhiệm với đất nước là trên hết, vì vậy những chuyện khó chịu này kia đối với tôi là vô nghĩa. Làm tiến sĩ khoa học, tôi đã áy náy đất nước còn chiến tranh mà mình được đi học. Vì thế ở Liên Xô tôi học hành, nghiên cứu miệt mài, luôn là người đến sớm nhất, về muộn nhất ở Thư viện Lênin, đến mức khi thư viện này kỷ niệm 50 năm, tôi được thư viện quay phim là độc giả cần mẫn nhất”, ông kể lại trước khi bắt đầu chia sẻ sâu hơn về sách Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) cũng như triết lý giáo dục của mình.
GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, giáo dục là đời sống xã hội. “Tôi làm giáo dục là tác động đến xã hội, đến cuộc sống của người khác nên tôi phải có trách nhiệm. Tôi là TSKH đầu tiên của Việt Nam, nhưng tôi không bao giờ đề GS-TS, mà chỉ duy nhất tên Hồ Ngọc Đại, tôi muốn một mình đối diện với đời”, vị GS già chia sẻ.
Từ chối làm thứ trưởng để xin đi dạy lớp 1
Ông cũng kể lại, về nước, là TSKH đầu tiên nên ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Hội đồng Chính phủ tổ chức đón tiếp thân mật tại Văn phòng Chính phủ, nay là Phủ Chủ tịch. Thủ tướng hỏi ông rất nhiều chuyện, cuối cùng là hỏi về cải cách giáo dục. Tôi nói: “Cái cải cách giáo dục mà chúng ta đang làm hiện nay sẽ thất bại”. Thủ tướng nghe ông trả lời vậy thì đứng dậy đi đi lại lại (sau này mới biết cụ Phạm Văn Đồng giận lắm thì mới làm thế), sau 5 phút mới ngồi lại hỏi “Tại sao chưa làm mà tiến sĩ đã thấy thất bại?”. “Tôi trả lời đề cương cải cách giáo dục chuẩn bị đã 20 năm, những năm 1960-1970, nay đã không còn phù hợp với thời bình, vì mọi thứ đã thay đổi. Thứ hai, học sinh cấp 3 ra chiến trường, nay cuộc cải cách giáo dục không một câu nào nói về họ. Cải cách lần này phải ưu tiên những người đã xếp bút nghiên ra chiến trường”,GS Hồ Ngọc Đại hồi tưởng.
Ông nói với Thủ tướng muốn được dạy lớp 1, nhưng cho ông mở trường thực nghiệm. Kết thúc cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng quyết định: “Thôi, cứ để chị Bình (bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ GT-ĐT bấy giờ) triển khai cải cách giáo dục, còn anh Đại cho mở trường thử nghiệm lớp 1”. Quyết định này của ông Hồ Ngọc Đại lúc đó gây tiếc nuối cho nhiều người, bỏ qua những lời thuyết phục làm lãnh đạo ngành giáo dục, ông Hồ Ngọc Đại bắt tay vào xây dựng trường thực nghiệm.
“Tôi rất có ý thức xây dựng lý thuyết về giáo dục, đã viết hẳn một bộ sách về nó. Ngay từ hồi bên Liên Xô, nôi đã đinh ninh: nền giáo dục cũ sẽ thất bại, phải thay bằng một nền giáo dục mới.
Theo ông, mỗi một cuộc cách mạng phải tạo ra một sự thay đổi về vật chất, tinh thần cho xã hội. Cuộc cách mạng 1.0, 2.0, 3.0. 4.0.. phải có sức mạnh vật chất riêng. Cuộc cách mạng 4.0 hiện nay phải tạo ra “máy nghĩ”, hay chính là trí tuệ nhân tạo. Tương tự như vậy, nền giáo dục hiện đại phải là nền giáo dục chưa hề có. “Chúng ta hay theo những phương châm cũ: noi gương người đi trước, phấn đấu theo người này, người kia. Tôi không chấp nhận. Nền giáo dục phải tạo ra mỗi người là chính họ, riêng biệt, không giống ai. Chúng ta đã có một nền giáo dục nhiều ảo tưởng. Nếu trước đây chỉ có 5% người dân đi học, 95% người đi làm, thì giờ đây, 100% trẻ đến trường. Trẻ em đi học phải vui vẻ, hạnh phúc. Không thể lấy gương người này để áp đặt cho người kia. giáo dục không thể tạo sự phục tùng, thay vào đó phải là sự tôn trọng, nam nữ bình quyền”, GS Hồ Ngọc Đại nói.
Trẻ con phải được hưởng những gì mới nhất, chưa hề có
Mỗi người phải là chính nó, xứng đáng với chính nó, không nên giống ai khác. Chúng ta cần sống thật hơn, tạo ra một sự thật xứng đáng hơn, không phải là tạo ra sự thật trong mơ ước. Định kiến là ngu muội, không có định kiến nào thông minh cả. “Chúng ta đang sống trong một xã hội hoàn toàn khác. Trẻ con là con đẻ của thời đại. Người lớn không được lấy mình làm chuẩn để dạy dỗ trẻ con. Người lớn phải chịu thua con thì mới dạy được nó, trẻ con không làm sai điều gì, vì nó làm theo lý của nó, không phải theo lý của người lớn. Ngày làm trường thực nghiệm, mỗi ngày tôi đều đến sớm, thường chỉ để hỏi phụ huynh 1 câu: các cháu học có vui không”, ông chia sẻ.
Ông cũng tâm sự: tôi già rồi, cuộc đời coi như xong, nhưng tôi muốn đất nước này có một thế hệ khác. Chúng nó tự xác lập cuộc đời của chúng, không lấy cha mẹ làm gương. Bố mẹ cũng không có quyền, không nên lấy mình, lấy người khác làm chuẩn để dạy trẻ con. Trẻ con cần được sống đời sống của chính nó, không bị áp đặt. Khi trẻ con đã có một thế hệ mới, thì cần có một nền giáo dục mới. “Căn bản nhất để xây dựng nền giáo dục mới là như thế nào? Anh phải xây dựng nền giáo dục trên một cơ sở lý thuyết không thể bắt bẻ được và một nền tảng cơ sở vật chất không thể hơn được. Chúng ta tận dụng những cái đã có và tạo ra những cái mới chưa hề có. Không rũ bỏ quá khứ, nhưng phải tạo ra cái mới”, GS phát biểu.
Ông cũng chia sẻ, 8 năm nghiên cứu của ông ở Liên Xô, ông viết lại thành từ: Công nghệ giáo dục. “Lý thuyết phải có công cụ để thực thi, và tôi có CNGD. Trẻ con chúng thích học. Khi còn ở Liên Xô, các thầy tôi đã nói: toán thì chắc không sao, nhưng Tiếng Việt thì chắc phải cần tới 50 năm. Người ta nói phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam, ý nói tiếng Việt rất phong phú. Nhưng tôi dạy trẻ con, hết lớp 1, bất cứ ở miền nào đều đọc thông viết thạo, đúng chính tả, và không thể tái mù. Đọc thông tức là các em viết ra được và đọc được. “ Đời sống trẻ con chỉ có một nên tôi phải tận dụng từng giây của chúng. Vì thế, học sinh học CNGD không ôn tập bài cũ là để mỗi giây phút của trẻ con là một giây phút vui vẻ. Học sinh học xong là nắm chắc, không phải ôn tập. Không phải học để thi. Chương trình CNGD được thiết kế công phu. Tiếng Việt cũng được thiết kế như vậy. Học chữ nào là chắc chữ đó, không thể tái mù được”, ông cho hay.
TV1-CNGD là công trình tâm huyết nhất
Tại cuộc tọa đàm, báo chí cũng đặt câu hỏi thẳng thắn cho rằng: những cuộc tranh luận hiện nay đang diễn ra căng thẳng không chỉ là nhắm vào sách TV1-CNGD với cách dạy trẻ đánh vần khó hiểu mà còn nhắm vào GS Hồ Ngọc Đại, vào mảnh đất vàng của Trường Thực nghiệm do GS Hồ Ngọc Đại sáng lập. Trả lời câu hỏi này, GS Hồ Ngọc Đại cho biết, đất của trường thực nghiệm đã được chuyển giao cho người khác từ lâu, không thuộc quyền sở hữu của trường thực nghiệm.
Trả lời về phản ứng của dư luận đối với việc dạy TV1-CNGD như quan điểm chân không về nghĩa, chủ trương là tập trung dạy đọc và không cần chú ý đến nghĩa của ngữ liệu, làm cho cuốn sách nặng nề vì có nhiều từ ngữ địa phương, thậm chí có nhiều âm tiết không có nghĩa gì cả... GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, ngữ âm khác mà tiếng nói hàng ngày là khác. “Học sinh của tôi khi học về ngữ âm thì trong một chân không về nghĩa, tức là không để ý về ý nghĩa, chỉ có về âm thôi, như thế thì mới thay đổi về âm được. Ví dụ Ba chỉ là tiếng ba thôi, chưa cần hiểu nghĩa là gì, nếu thay âm đầu là C thì thành Ca, thay H thì thành Ha.. Hoặc thay vần thì e sẽ thành Be, I sẽ thành Bi, tức là các em chưa cần biết nghĩa. Nhưng các em phải biết âm. Khi âm chứa nghĩa thì sẽ thành từ, không chứa nghĩa thì là một tiếng, tiếng đó ban đầu các em chưa cần nắm nghĩa: dư, dừ, dứ.. Ban đầu các em chỉ cần nắm ấm và cấu trúc ngữ âm. “Tôi dạy tiếng Việt cho các em thực dụng hơn, không sách vở, làm sao để các em biết đọc, biết viết và không bị tái mù chữ”, GS Hồ Ngọc Đại giải thích. “Tôi lắng nghe những gì có ích để điều chỉnh, còn không thì thôi”, ông thẳng thắn.
Nói về tương lai của CNGD, GS Hồ Ngọc Đại tin tưởng nó sẽ tồn tại vĩnh viễn, bởi đó là một công trình tập thể chứ không phải của một cá nhân, và nó phù hợp với tiến trình của lịch sử. “Tất cả các công trình của tôi có vô nghĩa đi chăng nữa thì cuốn TV1 –CNGD an ủi tôi, vì nó chiếm nhiều công sức và là thành tựu lớn nhất, nó thể hiện được tư tưởng, triết học và tâm lý học mà tôi dày công nghiên cứu”, ông nói.