Tại cuộc họp, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trái thanh long tại tỉnh đã được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP và xuất khẩu đến 18 nước trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp (DN) thu mua, chế biến trên địa bàn tỉnh quy mô sản xuất vừa, nhỏ. Các DN xuất khẩu chủ yếu theo đường tiểu ngạch chiếm hơn 80% và theo hợp đồng chỉ chiếm 20%. Chính vì thế, việc đóng cửa biên giới Trung Quốc vì lo ngại tình hình dịch bệnh đã tác động rất lớn đến hoạt động xuất khẩu thanh long của tỉnh. Hiện lượng thanh long còn tồn trên cây và kho tại tỉnh ước tính 50.000 tấn, với giá thu mua dao động 10.000-11.000 đồng/kg.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện hệ thống Big C khẳng định, hiện đơn vị đang hỗ trợ tiêu thụ khoảng 40-50 tấn trái thanh long/tuần. Còn về phía Saigon Co.op, dù đơn vị đã áp dụng nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng nhưng lượng tiêu thụ tối đa cũng chỉ đạt mức khoảng 100-150 tấn/tuần và không có khả năng tăng thêm.
Nhiều DN thu mua nông sản cho rằng, việc tương trợ người nông dân trong bối cảnh dịch bệnh cũng như tồn dư lượng lớn hàng nông sản là cần thiết. Tuy nhiên, phải thấy rằng đây chỉ mới hỗ trợ tiêu thụ tươi nên phải dựa hoàn toàn vào nhu cầu sử dụng của người dân. Trước mắt, cơ quan chức năng đã làm việc với các hệ thống phân phối và đưa ra 3 giải pháp hỗ trợ cụ thể. Một là, hệ thống phân phối sẽ thực hiện thu mua tươi nhưng ưu tiên bán hàng tại những tỉnh, thành phố không có trồng thanh long. Giải pháp thứ hai, làm việc với hệ thống phân phối hoặc các DN có khả năng tăng công suất chế biến, sấy khô, sấy dẻo, nước ép, bánh kẹo… đối với mặt hàng này.
Điều này sẽ thuận lợi hơn cho các hệ thống phân phối nếu muốn hỗ trợ đầu ra ổn định cho sản phẩm chế biến từ trái thanh long. Giải pháp cuối cùng là tăng khả năng xuất khẩu cho mặt hàng này. Tuy nhiên, đây là giải pháp dài hơi, bởi cần phải đánh giá khả năng cung ứng, chỉ tiêu chất lượng nguồn nguyên liệu trái thanh long.
Cũng theo ý kiến của nhiều DN, về phía tỉnh Bình Thuận cần làm tốt vai trò kết nối hệ thống phân phối với nhà vườn, đại lý thu mua để nắm bắt rõ lượng hàng tồn đọng. Về lâu dài, tỉnh Bình Thuận cần thiết phải có chính sách phù hợp để thu hút mạnh DN đầu tư chế biến sâu cho mặt hàng thanh long.