Theo ông Nguyễn Văn Muôn, 3 điểm sạt lở xảy ra vào 3 giờ sáng hôm 19-10 khi mưa lớn lũ lên cao. Hiện đã có 6 hộ đồng bào Vân Kiều vượt lũ làm nhà bạt tạm bợ trên ngọn đồi đối diện bản cũ để ở do sợ núi sạt lở và hiện lũ đang ngập nên chưa thể về nhà. Tháng 11 là tháng mưa rừng liên miên, các hộ dân sợ núi Sắt sạt lở vùi lấp nhà cửa, vườn tược, hoa màu và tính mạng con người.
Đồng chí Hoàng Trọng Đức, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn gặp PV Báo SGGP trên đường vào bản Sắt cho biết, 3 điểm sạt lở trên núi kéo dài hơn 700m rất nguy hiểm.
Tại bản Sắt, nước vẫn ngập trắng đồng, cổng vào bản Sắt ngập sâu, nhiều nhà vẫn còn nước ngập chạm mái, người dân đi lại rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Muôn đề nghị cấp trên hỗ trợ 34 nhà bạt để ở tạm tránh sạt lở vì dân làng nghe tin sạt lở ở Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) làm nhiều người chết nên rất lo.
Đường vào bản Sắt đi từ trạm kiểm lâm C6, đường Hồ Chí Minh nhánh tây vào mất 7km, đường rất khó đi, trơn trượt, phương tiện lúc khô ráo là xe máy quấn thêm xích hoặc đi bộ mất 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi.
Ông Nguyễn Văn Muôn cảnh báo, trên đường vào tại dốc ông Lờ xuất hiện một vết nứt dài hơn 200m giữa đường khiến dân bản Sắt lo sẽ có sạt lở đứt đường.
Khi biết tin này, ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết ông đã chỉ đạo di dời khẩn cấp người dân bản Sắt. Hiện các phương tiện cơ giới không thể vào được bản Sắt.
Theo ông Nguyễn Văn Muôn, với tình hình này, một tuần nữa cũng chưa hết lũ.