Đầu tiên là hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản pháp lý của TPHCM về phân cấp quản lý di tích, quy chế quản lý đầu tư tu bổ di tích; đẩy nhanh chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP. Giải pháp thứ hai là xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích của TP đến năm 2030, từ đó chọn danh mục di tích có giá trị cao về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ, truyền thống… để có kế hoạch ưu tiên đầu tư. Giải pháp hết sức quan trọng cuối cùng là giải quyết hài hòa lợi ích chung của toàn xã hội và lợi ích riêng của các cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng công trình di tích.
Theo ông Trương Kim Quân, cùng với tốc độ phát triển kinh tế là tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, nhiều công trình mới đã và đang xây dựng ở khu vực trung tâm thành phố. Song song giữa phát triển và bảo tồn còn tồn tại không ít mâu thuẫn, đòi hỏi các nhà quản lý đô thị di sản cần có tầm nhìn và hoạch định mang tính khoa học, chiến lược để việc phát triển đô thị hài hòa giữa hiện đại và quá khứ.
Thời gian gần đây, các cơ quan đơn vị chức năng của TP quan tâm trao đổi ý kiến với cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc lập quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình tiếp giáp, liền kề khu vực bảo vệ di tích; tuy nhiên, việc hiểu không rõ các quy định trong Luật Di sản văn hóa cũng như có những sự xung đột với các quy định của luật khác, dẫn đến thời gian thẩm định phê duyệt kéo dài…