Bên lề phiên thảo luận về dự án luật Giáo dục sửa đổi sáng 21-5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, đã chia sẻ thêm về vụ việc gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm cũng như xử lý trách nhiệm đối với các địa phương.
* PHÓNG VIÊN: Theo ông, việc để xảy ra gian lận thi cử trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 thuộc trách nhiệm của những chủ thể nào?
* Đại biểu BÙI SỸ LỢI: Có 3 chủ thể phải chịu trách nhiệm về vụ việc gian lận thi cử vừa qua. Một là học sinh và cha mẹ học sinh, cha mẹ biết rõ năng lực của con nhưng vì muốn cho con thi đậu nên đã tìm cách “chạy chọt” cho con mình.
Thứ hai là nhà trường và giáo viên, nếu gia đình có nguyện vọng đề xuất việc “chạy chọt” cho con em nhưng giáo viên không đồng lõa mà để học sinh thi đúng năng lực thì sẽ không xảy ra vụ việc gian lận như vừa qua. Ở đây, thậm chí giáo viên còn nhận tiền để nâng điểm.
Thứ ba là trách nhiệm của địa phương, cơ quan quản lý giáo dục, địa phương phải vào cuộc để tổ chức tốt kỳ thi, tạo sự khách quan, công bằng. Khi phát hiện các trường hợp gian lận, các cháu đương nhiên bị đuổi khỏi trường nhưng quan trọng hơn là phải tạo cơ hội cho các cháu có số điểm cận kề. Như vậy, đó mới là sự công bằng xã hội và công bằng trong giáo dục.
Đối với vụ việc gian lận thi cử gây rúng động vừa qua, nếu chúng ta đổ hết cho ngành giáo dục thì tôi nghĩ cũng oan cho ngành giáo dục. Ngành giáo dục có Bộ trưởng nào, hiệu trưởng nào bảo là phải nâng điểm đâu, đây chỉ là ngấm ngầm trong 3 đối tượng: người đi thi muốn đậu, người kiếm tiền lợi nhuận từ việc này và người không kiểm soát tốt.
* Việc xử lý trách nhiệm địa phương cho đến nay chưa thấy động thái gì, ý kiến của ông như thế nào?
* Vụ việc gian lận thi cử ở 3 địa phương đã diễn ra từ năm 2018. Việc xử lý, trong đó có một điểm chưa kết luận được là chậm, đã sắp đến mùa thi mới rồi. Ở đây chúng ta phải làm rõ để rút kinh nghiệm.
Vì thế, theo tôi, chúng ta không nên phải bí mật, phải giấu diếm gì việc này cả, cần phải công khai, minh bạch để các em học sinh thấy rõ rằng, các em cần có lòng tự trọng trong quá trình học tập, đây chính là triết lý để dạy học sinh, tạo cho các em sự tự trọng.
* Theo ông, người đứng đầu của địa phương phải chịu trách nhiệm thế nào?
* Là người đứng đầu địa phương, làm công tác quản lý trên địa bàn, đầu tiên là trách nhiệm quản lý nhà nước thì cần làm rõ việc tổ chức triển khai công tác thi cử đã quán triệt hết chưa; khi tổ chức thi có thanh tra, kiểm tra, xem xét không; quá trình chấm thi tổ chức giám sát ra sao… Nếu làm chưa tốt, đó là trách nhiệm của người đứng đầu. Rõ ràng, để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có phần trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đó là trách nhiệm về việc quản lý và cần phải có những điều chỉnh.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) Sai phạm ở địa phương thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu, đó là nhìn nhận đầu tiên. Hiện nay, suy nghĩ, tư duy và hành động của người đứng đầu chưa rõ nét. Muốn lấy lại niềm tin của người dân về giáo dục, không chỉ cấp bộ mà còn địa phương. Vụ gian lận thi cử năm 2018 đã hơn 9 tháng, kéo dài gần 1 năm. Nhiều ý kiến mong muốn không chỉ là để minh bạch, công khai mà phải xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin cho giáo dục. Cử tri bây giờ họ không muốn nhắc tới quy trình, vì nói tới quy trình thì sẽ không biết kéo dài tới bao lâu. 9 tháng trôi qua và cận kề kỳ thi tiếp theo nhưng việc xử lý vẫn chưa rõ ràng. Rất mong cơ quan chức năng trả lời ngay với cử tri và nhân dân cả nước về trách nhiệm người đứng đầu trong vụ việc này. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền Hơn ai hết, các đồng chí lãnh đạo gắn trách nhiệm của mình với các sai phạm phải nhận thấy điều đó. Đã ở vị trí, vai trò lãnh đạo, vị trí đầu tàu rồi thì đâu cần phải để người dân nhắc. Nếu đứng đầu mà không nhận thấy điều đó thì thôi, để người khác làm. |