Đây là hoạt động nhằm tăng cường công tác phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm và cụ thể hóa các nội dung của Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Dự án do Tập đoàn AstraZeneca viện trợ không hoàn lại tại 20 trường THCS, 6 trường THPT và 3 trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội.
4 nhiệm vụ cơ bản của dự án gồm: nâng cao năng lực phòng chống bệnh không lây nhiễm cho học sinh, sinh viên; cung cấp thông tin cho cha mẹ học sinh, giáo viên để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực hành các hành vi sức khỏe lành mạnh, an toàn; tăng cường chất lượng của hoạt động y tế, giáo dục thể chất trong trường học hỗ trợ học sinh, sinh viên tiếp cận các dịch vụ thân thiện; khuyến nghị chính sách có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho phòng chống bệnh không lây nhiễm và nâng cao sức khỏe của học sinh, sinh viên.
Dự án sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2023-2025 hướng đến mục tiêu góp phần cải thiện sức khỏe, cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc của học sinh, sinh viên từ 10-24 tuổi. Thông qua việc thực hiện dự án, học sinh, sinh viên ở Hà Nội sẽ được nâng cao kiến thức và năng lực về phòng chống bệnh không lây nhiễm, các yếu tố, nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm.
Trong những năm qua, ngành giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thực hiện tốt công tác y tế trường học nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên. Hoạt động truyền thông, giáo dục phòng ngừa dịch bệnh học đường ngày càng được tăng cường, đi vào chiều sâu và đạt được hiệu quả.
Bộ GD-ĐT cho biết, đã chủ trì tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025; phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là đến năm 2025 giải quyết được cơ bản các vấn đề liên quan chính sách, các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh trong trường học.