Cụ thể, sản phẩm điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 43,5 tỷ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến, sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 28,8 tỷ USD, tăng 17,1%. Hàng dệt may vươn lên vị trí thứ 3, đạt 27,4 tỷ USD, tăng 8,7%. Còn lại, mặt hàng giày dép và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng có kim ngạch xuất khẩu cùng đạt 14,6 tỷ USD, lần lượt tăng 11,2% và 7,6%.
Ở chiều ngược lại, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm tập trung chủ yếu là hàng nông sản. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản đạt 7 tỷ USD, giảm 3,4%; rau quả đạt 3,1 tỷ USD, giảm 5,8%; hạt điều đạt 2,7 tỷ USD, giảm 3,8%; gạo đạt 2,4 tỷ USD, giảm 7,8%…
Lý giải thực tế này, về phía Bộ Công thương cho biết, việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản là do tình hình xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn. Các doanh nghiệp chưa chuyển đổi kịp để phù hợp với rào cản kỹ thuật mới mà Trung Quốc áp dụng từ đầu năm. Tính đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc đạt 32,5 tỷ USD, giảm 2,9%.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,9 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường EU đạt 34,2 tỷ USD, giảm 1,9%. Thị trường ASEAN đạt 21,3 tỷ USD, tăng 2,6%, Nhật Bản đạt 16,6 tỷ USD, tăng 7,5% và Hàn Quốc đạt 16,6 tỷ USD, tăng 9%…