Cụ thể, trong số 57 dự án BOT đang khai thác do Bộ GT-VT quản lý, có 27 dự án doanh thu năm 2018 tăng so với phương án tài chính dự kiến trong hợp đồng. Tuy nhiên, có 26 dự án doanh thu năm giảm, 4 dự án còn lại do mới vận hành, khai thác nên chưa đánh giá.
Các dự án doanh thu giảm có nguyên nhân chính là do lưu lượng thực tế thấp hơn so với dự kiến, phải phân chia lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành, hoặc giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và giảm giá cho khu vực lân cận trạm thu phí.
Trong số những dự án giảm doanh thu lớn có dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, doanh thu năm 2018 đạt trên 460 tỷ đồng, giảm 87%; dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng đạt doanh thu trên 260 tỷ đồng, giảm trên 90%; dự án hầm Đèo Cả doanh thu hơn 450 tỷ đồng, giảm 95%.
Một số dự án có lưu lượng phương tiện tăng nhưng doanh thu vẫn sụt giảm do tỷ lệ sử dụng vé tháng/quý cao bất thường, hoặc do phải giảm giá vé và miễn giảm phí nhiều như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, BOT quốc lộ 1 qua Quảng Nam, BOT Nam Cầu Giẽ...
Bộ GT-VT cũng cho biết, theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, hiện có 32% dự án BOT đang khai thác có doanh thu thu phí không đạt dự kiến, tổng dư nợ cho vay vào khoảng 43.000 tỷ đồng. Tình trạng này có thể sẽ dẫn đến rủi ro phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng.