Do đó, việc nông dân lựa chọn những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế là một yêu cầu cần thiết và hoa lan là đối tượng được khuyến khích, vì vừa tận dụng tối đa hiệu quả đất đai vừa mang lại lợi nhuận cao, nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn.
Ông Nguyễn Văn Bùng trong vườn lan của gia đình
Một trong những hộ có cuộc sống ổn định với thu nhập cao từ nghề trồng hoa lan ở huyện Hóc Môn là gia đình ông Nguyễn Văn Bùng (ngụ ấp Chánh 1, xã Tân Xuân).
Ông chia sẻ: Tôi đến với nghề trồng lan từ năm 1986, lúc đầu chỉ do thấy lan có hoa đẹp với nhiều ý nghĩa thanh tao, nhưng sau đó mê lúc nào không hay. Từ việc sưu tầm các loại lan, ông “tò mò” tìm hiểu cuộc sống của những người trồng lan như thế nào. Sự thành công của họ giúp ông nhận ra là có thể phát triển thành nghề để tăng thu nhập cho gia đình.
“Đầu tiên, tôi chọn trồng lan vũ nữ, tiếp đó là lan bò cạp. Đến năm 1990, tôi mở rộng trồng lan Mokara và các loại lan có giá trị khác. Để thành công như hôm nay, tôi đi học hỏi nhiều nơi, quá trình làm cũng thất bại không ít lần, nhưng rồi dần dần có kinh nghiệm nên ổn định và phát triển, đến nay đã được hơn 25 năm... Hiện gia đình tôi có hơn 1ha trồng lan các loại, từ vũ nữ, Mokara, Denrobium, Cattaya, phượng vĩ, vàng chanh… đến các loại hoa cây kiểng khác, bình quân một gốc lan mỗi năm có khoảng 4 cành trở lên. Tôi đang mở rộng thêm 0,5ha lan ở huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Sau khi lan cỗi, tôi tận dụng những giá thể trồng lan đem làm giá thể trồng các loại cây kiểng lá màu bán cho các shop hoa tươi, tăng thêm nguồn thu nhập”, ông Bùng chia sẻ.
Ông Bùng cho biết chưa thống kê được vườn có bao nhiêu cây lan, nhưng mỗi tuần ông cắt khoảng vài ngàn cành trở lên, riêng lan bò cạp là 4.000 - 5.000 cành/tuần. Theo ông, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông thu được lợi nhuận từ 15% - 20% trên tổng vốn bỏ ra, so với lãi suất ngân hàng vẫn hấp dẫn hơn. Nhân công hiện nay dao động từ 6 - 10 người, bình quân thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng/người tùy theo tay nghề, được bao ăn ở. “Nghề trồng lan theo tôi là sống khỏe và ổn định, tôi nuôi được gia đình và 3 con học hành đàng hoàng”, ông Bùng nói.
Về vấn đề tiêu thụ, ông Bùng cho rằng thị trường vẫn còn mở rộng cho sản phẩm hoa lan đẹp. Tuy nhiên, với xu thế hội nhập, người trồng lan sẽ phải đối mặt với tình trạng hoa lan nhập xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Những hộ trồng lan đang cần được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trong việc nắm rõ thị trường, để đưa ra định hướng và giải pháp thích hợp. Cũng theo ông Bùng, trong thời gian tới, với các giống lan cũ thì lan Việt Nam sẽ ở phân khúc thị trường bình dân; tuy độ “hot” của nghề có thể sẽ giảm đi, nhưng vẫn là một nghề sống tốt.
Với người mới vào nghề trồng lan, ông Bùng chia sẻ kinh nghiệm: “Đầu tiên phải tìm hiểu, từ vườn lan lớn - vườn lan nhỏ, vườn đẹp - vườn không đẹp, vườn có hiệu quả kinh tế - vườn không hiệu quả, để rút ra kinh nghiệm tại sao thành công hoặc thất bại, kinh nghiệm trồng quy mô lớn như thế nào, nhỏ thì ra sao…
Từ đó sẽ hoạch định chiến lược, tùy vào điều kiện cụ thể (diện tích đất, vốn) của mình mà quyết định, không nên làm theo phong trào. Sau đó phải nắm rõ kỹ thuật của từng loại lan thông qua kinh nghiệm, nghiên cứu sách báo, học bạn bè, các vườn đi trước; nếu cây lan của mình vẫn chưa ổn vì bị bệnh thì nên tiếp cận đến các hội nông dân, cơ quan khuyến nông để nhờ cán bộ kỹ thuật tư vấn giúp đỡ. Ban đầu nên chọn các loại lan dễ trồng, chi phí thấp để từ từ có kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật rồi mới bung ra làm lớn nhằm tránh tình trạng thu không đủ bù chi”.