Hậu phương vững chắc
TP Đà Nẵng đang là tâm dịch của cả nước. Để phòng chống dịch hiệu quả, những đợt cách ly xã hội kéo dài chưa đến hồi kết và mọi công ăn việc làm của người dân đều phải dừng lại. Nhưng, nhiều tổ chức, cá nhân đã vượt qua khó khăn, tất bật từ sáng đến tận khuya để góp sức, chung tay cùng Đà Nẵng chống dịch.
Chị Lê Thị Bích Hương, Giám đốc Truyền Thông - Tiếp Thị của khu du lịch Núi Thần Tài đã chọn lựa ở lại Đà Nẵng và làm cộng sự với những anh chị em trong cộng đồng F&B (Food and Beverage Services) Tử Tế - Đà Nẵng Kitchen. Ngày làm việc thứ 4, nhóm Đà Nẵng Kitchen đã cung cấp gần 3.000 suất ăn. Như thường lệ, cả nhóm thức dậy nấu ăn từ 3 giờ sáng, rồi đóng gói, kiểm phẩm và đưa lên xe tải chuyên dụng đi giao tại các khu cách ly chỉ trong vòng 3 giờ.
Mồ hôi nhễ nhại trong trang phục bảo hộ chống dịch, chị Bích Hương tâm sự: “Công việc này của chúng tôi có cực khổ bao nhiêu đi nữa cũng không sánh được với những bác sĩ, nhân viên y tế, công an, quân đội đang ở tuyến đầu chống dịch. Vì vậy, nhóm Đà Nẵng Kitchen cố gắng hết sức để đưa đến các anh chị ấy, những khu cách ly bữa cơm mang không khí gia đình. Chúng tôi hiểu, ở nơi ấy, các bác sĩ, nhân viên y tế đang vật lộn với bao gian khổ để giành giật lại mạng sống cho đồng bào”.
Dưới sự dẫn dắt của bà Nguyễn Trúc Chi, một người có kinh nghiệm trong ngành F&B, nhóm Đà Nẵng Kitchen chia ra thành nhiều nhóm: nhóm sản xuất, nhóm cung ứng, nhóm vận chuyển, nhóm truyền thông… với khoảng 100 nhà hàng ẩm thực lớn tại TP Đà Nẵng tham gia. Việc vận hành của nhóm rất khoa học, chuyên nghiệp, bởi những người tham gia đều có chuyên môn, kinh nghiệm về từng lĩnh vực liên quan đến cung cấp suất ăn. Sau mỗi ngày làm việc, ban điều hành họp lại để tìm ra những bất cập, từ đó có phương án điều chỉnh, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đồng hành cùng phong trào chống dịch của TP Đà Nẵng.
Với 1.000 suất ăn/bữa, theo chị Bích Hương, mặc dù có kinh nghiệm, nhưng khi đi vào vận hành thực tế, nhóm cũng gặp nhiều trở ngại. “Nhiều người có gì cho nấy, nên số lượng không đồng bộ. Tuy nhiên, việc phục vụ cho những đối tượng khác nhau thì suất ăn, khẩu phần, chất dinh dưỡng cũng sẽ khác nhau, đòi hỏi nhóm phải lên kế hoạch, cân đo đong đếm sao cho phù hợp”, chị Bích Hương cho hay.
Vững tin
Sau khi có thông báo về cách ly xã hội vì dịch Covid-19, 400 nhân viên một chuỗi nhà hàng 4U ở Đà Nẵng dự kiến nghỉ việc. Nhưng đúng lúc này, anh Phạm Lê Vân Long, chủ của chuỗi nhà hàng này nhận được điện thoại của một bác sĩ làm việc ở bệnh viện đang phong tỏa, đề nghị hỗ trợ một số suất ăn vì anh em bác sĩ phải dành tâm sức cho chống dịch, chữa bệnh, không có thời gian nấu ăn. Với chuỗi 6 nhà hàng, cùng hàng trăm nhân viên, anh Long họp khẩn nhóm anh em quản lý và quyết định vận hành hệ thống bếp để cung cấp suất ăn miễn phí cho các bác sĩ, nhân viên y tế và lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.
Anh Long liên hệ với lãnh đạo bệnh viện để tính toán phương thức hỗ trợ, số lượng suất ăn và nhất là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, cho đến khi nào dỡ bỏ phong tỏa. Bộ phận hậu cần lo nguồn thực phẩm 100% an toàn, sạch tươi ngon. Bộ phận nhân sự chuẩn bị chia ca làm việc mỗi ngày 35 người, chia thành 2 nhóm làm việc, luân phiên nhau trong tổng số 400 cán bộ, nhân viên của 6 nhà hàng. Nhóm 4U hỗ trợ mỗi ngày hơn 800 suất cơm miễn phí cho đến khi nào dỡ lệnh phong tỏa, cách ly ở bệnh viện. “Ai có tiếng nói góp tinh thần, có vật chất góp vật chất. Tùy theo sức của mình mà làm. Và như thế, chúng tôi vận hành được hệ thống để phục vụ bữa ăn cho tuyến đầu”, anh Long chia sẻ.
Để triển khai việc tiếp sức bữa ăn ngon miệng cho các bác sĩ, nhân viên y tế, các bếp trưởng của hệ thống nhà hàng đã lên thực đơn từng ngày, mỗi suất ăn trị giá khoảng 45.000 đồng. Với việc cung cấp số lượng lớn suất ăn hàng ngày như vậy, theo anh Long, các nhân viên 4U luôn phải tuân thủ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch, không chỉ giữ gìn cho mình mà còn với những đối tượng tiếp xúc. Trên tinh thần “không bỏ lại ai phía sau”, với những du khách bị kẹt tại Đà Nẵng, nhóm bước đầu hỗ trợ miễn phí 150 suất/ngày cho du khách. Sau các bữa ăn, những lời cảm ơn của du khách, các bác sĩ qua tin nhắn điện thoại, Facebook, Zalo… dồn dập gởi về ông chủ chuỗi nhà hàng 4U. Một ngày làm việc của họ có khi mệt lả, nhưng trên khuôn mặt họ, ai cũng vui tươi, cố gắng, bởi hơn ai hết, họ đang góp một phần sức lực của mình, chung tay vào trận tuyến chống dịch nơi tuyến đầu.
Có mặt tại khu vực phong tỏa 3 bệnh viện ở Đà Nẵng, người dân đi xe máy, ô tô, thậm chí xe tải chở từng ổ bánh mì, thùng nước đóng chai, sữa, mì tôm và các nhu yếu phẩm để kịp thời cung cấp cho hàng ngàn bệnh nhân, người nhà, bác sĩ, nhân viên y tế đang bên trong bệnh viện. Không ai bảo ai, những người dân quanh xóm cũng tham gia tiếp sức vận chuyển hàng hóa từ trên xe xuống, sắp xếp và đưa lên xe đẩy cho nhân viên y tế đưa vào khu vực phong tỏa.
Trên nhiều tuyến đường của Đà Nẵng, người dân đem khẩu trang, nước sát khuẩn và nhu yếu phẩm đặt trước nhà để tặng người đi đường. Ông Dũng, sống trên đường Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho biết, từ khi có công bố Đà Nẵng phát hiện ca dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 24-7, gia đình có mua về 10.000 khẩu trang y tế để tặng cho người có nhu cầu. Ông làm điều này với mong muốn góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, cùng Đà Nẵng đẩy lùi dịch Covid-19.
Trong 10 ngày qua, khi Đà Nẵng bắt đầu được cách ly để phòng chống dịch Covid-19, cả nước đã cùng sát cánh, hành động vì nơi này. Đà Nẵng “khỏe” thì cả nước mới yên ổn. Trong cơn bão dịch bệnh, Đà Nẵng không đơn độc mà nằm trong vòng tay yêu thương, chia sẻ của cả nước. Đà Nẵng sẽ vững tin, vững tâm cùng cả nước chiến thắng dịch Covid-19 một ngày không xa!
Cùng chung tay với Đà Nẵng, Quảng Nam trong đợt này, Câu lạc bộ Xe bán tải Đà Nẵng (PDC - Pickup DaNang Club) với hàng chục xe chở rất nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm đến các điểm nóng. Cứ nghe ở đâu thiếu hàng hóa, nhu yếu phẩm, các thành viên trong câu lạc bộ ngay lập tức lên đường, dù xa hay gần; nếu ở đâu cần xe vận chuyển, cả chục xe bán tải lại nối đuôi nhau lên đường, bất kể ngày đêm, mưa nắng. Anh Trần Anh Quốc Cường, thành viên PDC tâm sự: “Chẳng cần thông báo hay tính toán chiến dịch gì, từng đội nhóm, mạnh thường quân cứ lặng lẽ âm thầm tỏa đi các bệnh viện hỗ trợ chiến sĩ nơi tuyến đầu”. |