24/24 giờ ở tâm dịch - Bài 2: Truy lùng Covid-19

Chạy đua từng giây phút trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, bác sĩ, nhân viên y tế là những chiến binh dũng cảm trên tuyến đầu. Bất kể ngày đêm, họ lăn xả vào tâm dịch chiến đấu và đẩy lùi virus SARS-CoV-2 để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Các “chiến sĩ blouse” lên đường về tâm dịch Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC OAI
Các “chiến sĩ blouse” lên đường về tâm dịch Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC OAI

Cả nước chi viện cho Đà Nẵng

Trong suốt những ngày qua, các cán bộ, nhân viên y tế thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) với sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM và Viện Pasteur Nha Trang, mỗi ngày thực hiện xét nghiệm hàng ngàn mẫu bệnh phẩm để tìm ra trường hợp dương tính với Covid-19. Để có thể thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm một khối lượng bệnh phẩm khổng lồ, các chuyên gia, cán bộ, nhân viên dịch tễ nơi tâm dịch đã nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ.

Là Phó Đội trưởng Đội xét nghiệm của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, hơn tuần nay, số mẫu xét nghiệm tăng đột biến từng ngày. “Chưa bao giờ, chúng tôi phải thực hiện nhiều mẫu xét nghiệm Covid-19 như thế. Cường độ làm việc của các thành viên luôn quá tải, bởi lượng mẫu quá nhiều”, PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng chia sẻ và cho biết thêm, đội xét nghiệm Covid-19 hoạt động tại Đà Nẵng gồm 3 nhóm chính. Nhóm 1 có nhiệm vụ triển khai truy vết về kháng thể, truy vết những trường hợp từng mắc Covid-19 hay chưa bằng phương pháp huyết thanh học; tìm trong cộng đồng đã tồn tại những kháng thể hay chưa, tức là những người này đã từng nhiễm. Trong đó, nhóm huyết thanh học Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trực tiếp triển khai. Sau đó, nhóm triển khai phòng thí nghiệm huyết thanh học tại Trung tâm CDC Đà Nẵng. Số lượng mẫu thu thập khoảng 7.000, hiện đã xét nghiệm 5.000 mẫu, dự kiến có thể thu thập 10.000 - 20.000 mẫu.

Nhóm 2 là của Viện Pasteur TPHCM và nhóm xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai, cùng Phòng Xét nghiệm chẩn đoán sinh học phân tử và chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Còn nhóm 3 là nhóm thực hiện trực tiếp tại CDC Đà Nẵng với sự tham gia trực tiếp của Viện Pasteur Nha Trang, tiến hành xét nghiệm sinh học phân tử để xác định những ca đang mắc Covid-19, từ đó có biện pháp cách ly và điều trị kịp thời. “Đội đặc nhiệm tại CDC Đà Nẵng phải làm việc liên tục trong suốt những ngày qua, do số lượng mẫu gửi đến tăng lên từng ngày. Ít ngày trước, mỗi ngày xét nghiệm chỉ 500 - 700 mẫu nhưng hiện tại, nhờ sự chuyển giao kỹ thuật, máy móc thiết bị hiện đại đã nâng lên mức 8.000 - 10.000 mẫu/ngày”, PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng cho biết thêm.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng thì thành phố này có 4 đơn vị có khả năng xét nghiệm Covid-19, trong đó Trung tâm CDC Đà Nẵng là đơn vị phụ trách chính. Bệnh viện Đà Nẵng cũng triển khai xét nghiệm Covid-19 nhưng năng lực khoảng 300 - 500 mẫu/ngày. Tuy nhiên, với sự tăng cường, chi viện nhân lực từ khắp cả nước, đến nay, năng lực xét nghiệm tại Đà Nẵng đã được nâng lên  khoảng 15.000 - 17.000 mẫu.

Theo PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, do lượng mẫu chuyển về lớn nên các đơn vị đã mở ra 2 khu vực để thiết lập máy móc, chính vì vậy việc kiểm soát chất lượng mẫu khá tốt vì phân thành những khu vực chuyên biệt. Đặc biệt, các thành viên trong đội xét nghiệm đôi lúc cũng áp lực, nhưng với tinh thần chung tay cùng người dân Đà Nẵng, người dân cả nước chống dịch, nên làm việc xuyên ngày đêm không quản ngại gian khó. 

Dấn thân

Cách đây vài hôm, khi dịch bùng phát mạnh, hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế các bệnh biện ở Đà Nẵng được cách ly để xét nghiệm, khiến thiếu một lượng lớn nhân viên y tế chuyên nghiệp. Trước tình cảnh ấy, hàng trăm sinh viên ngành y, tình nguyện viên tự nguyện đăng ký vào tuyến đầu chống dịch. 

Những ngày qua, trên các phương tiện đại chúng, mạng xã hội lan truyền hình hình ảnh một nữ điều dưỡng tại Trạm Y tế phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) kiệt sức, phải thở oxy và truyền nước biển khi làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trước hình ảnh trên, người dân đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những người mang sứ mệnh thiêng liêng và chia sẻ sự khó khăn của những người nơi tuyến đầu chống dịch.

Chị Võ Thị Nga, Trưởng Trạm Y tế phường Hòa Minh cho biết, nữ điều dưỡng trong ảnh là chị Đặng Thị Thu Hà (48 tuổi, công tác tại trạm) đã nhiều ngày qua tham gia trực tiếp vào công tác đưa người F1, F2 đi cách ly nên ít nhiều sức khỏe bị ảnh hưởng. Chị Hà làm nhiệm vụ kê khai y tế và chuyển người F1 đi cách ly. Hỏi thăm sức khỏe, chị Hà chỉ ngắn gọn: “Hiện tại, sức khỏe của mình đã ổn, mình mong sớm khỏe để tiếp tục được phục vụ cho cộng đồng. Trong khi đó, chị Võ Thị Ngân (công tác tại khoa Nhi, Bệnh viện Gia Đình) đã tạm gác chuyện gia đình, cùng đồng nghiệp tham gia chữa trị bệnh nhân được chuyển từ các bệnh viện đang bị phong tỏa sang. Mặc dù có 2 con nhỏ đang ở nhà, chồng là nhà báo cũng đang túc trực ngày đêm ở hiện trường, ông bà ở xa không vào hỗ trợ kịp, nhưng vợ chồng chị cố gắng thu xếp để chị đi trực chiến. 

Sau khi viết đơn tự nguyện lên tuyến đầu, bạn Phan Thị Diệu Trâm (24 tuổi, sinh viên năm thứ 5 Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng) về tham gia chống dịch tại Trạm Y tế phường Thanh Bình (quận Hải Châu). Trước tình hình dịch Covid-19 ngày một lan rộng, rồi bước sang giai đoạn các ca bệnh mất dấu F0, rất nhiều người dân đến trạm y tế để khai báo nên những ngày này, nhân viên y tế tại đây làm việc gấp đôi, gấp ba. “Công việc thật khó khăn, đòi hỏi em và các bạn phải thật cẩn trọng, không được sai sót số liệu; bản thân cũng phải giữ an toàn”, Trâm chia sẻ.

Hiện tại, các lực lượng nòng cốt y tế Đà Nẵng hầu như đang làm việc trong vùng cách ly, vì vậy sự hỗ trợ của sinh viên ngành y, có hiểu biết về chuyên môn, sẽ góp phần tích cực trong việc chung tay phòng chống Covid-19 tại Đà Nẵng. Đợt dịch Covid-19 này là môi trường để các sinh viên ngành y thể nghiệm và thấy được trách nhiệm cao cả, lớn lao của công việc mà mình đã chọn cho tương lai. 

Không chỉ thế, hai ngày qua, đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, 33 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của TP Hải Phòng và 25 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của tỉnh Bình Định xung phong lên đường chi viện cho Đà Nẵng. Trên báo chí và mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh xúc động ghi lại cảnh các tình nguyện viên Hải Phòng, Bình Định tay để lên ngực, chụm tay nhau hô quyết tâm chung tay cho Đà Nẵng bình yên. 

Tạm gác lại chuyện gia đình, những khó khăn trong công tác phòng chống dịch của toàn ngành y, TP Đà Nẵng, những con người thầm lặng nơi tuyến đầu luôn động viên nhau cố gắng vì sức khỏe của người dân. Không riêng chị Hà, chị Ngân hay bạn Trâm, mà hàng ngàn chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, sinh viên tình nguyện đang nỗ lực từng giờ để đẩy lùi dịch Covid-19, trả lại sự bình yên cho Đà Nẵng và cho đất nước.

Tiếp sức cho “tuyến lửa” 

Sáng 6-8, 25 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên y tế tỉnh Bình Định đã tình nguyện lên đường về vùng tâm dịch. Giữa không khí tiễn chân, những chiến sĩ blouse trắng đã chia sẻ nhiều tâm sự chân thành, cùng khát vọng cống hiến sức trẻ, mong san sẻ gánh nặng cho các đồng nghiệp nơi “tuyến lửa”.

Giọng nói khỏe khoắn và đầy quyết đoán, bác sĩ trẻ Nguyễn Hữu Thủy Tiên, Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Định, chia sẻ: “Từ khi dịch Covid-19 trở lại, bùng phát ở Đà Nẵng và một số địa phương lân cận, đêm ngày nào tôi cũng dõi theo diễn biến nơi tâm dịch. Những lúc bên sóng tivi, mạng xã hội đọc những thông tin, thấy hình ảnh các đồng nghiệp của mình dường như kiệt sức với công việc quá tải, nằm ngủ gục dưới những tấm bìa hay trên bàn làm việc, tôi đã không cầm nổi lòng mình. Nên khi nghe UBND TP Đà Nẵng có thư hiệu triệu, tôi tình nguyện viết đơn xung phong ra Đà Nẵng ngay trong đêm”. 

Bác sĩ Thủy Tiên cho biết, sẽ cống hiến hết sức trẻ của mình, làm hết khả năng có thể để giúp các đồng nghiệp tại Đà Nẵng cho đến khi hết dịch mới trở về. Nữ bác sĩ trẻ cầu mong quê hương Bình Định sẽ giữ vững tấm khiên chắn an toàn cho đến ngày hết dịch, để cô vững tâm trên tuyến đầu. Thủy Tiên cùng các đồng nghiệp chụp chung tấm hình lưu niệm trước khi lên đường. Hình ảnh những bác sĩ trẻ cùng giơ nắm tay ngang ngực thể hiện quyết tâm của mình, đã rất ấn tượng, tiếp sức cho buổi tiễn đưa. 

Cùng lên đường với Thủy Tiên còn có 7 đồng nghiệp khác ở BVĐK tỉnh Bình Định và 17 điều dưỡng, kỹ thuật viên ở các tuyến y tế trên địa bàn tỉnh. Tất cả đều tự hào với niềm nhiệt huyết cháy bỏng của tuổi trẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chia sẻ thêm: “Trong đội ngũ 25 chiến sĩ tình nguyện về tâm dịch Đà Nẵng, có 8 bác sĩ và 17 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Họ lên đường với một lý do, tâm nguyện rất chân thành, muốn sẻ chia phần nào khó khăn cùng các đồng nghiệp ở tuyến đầu đang ngày đêm quá gian nan, vất vả. Tất cả họ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa của ngành y tế Bình Định và cả nước. Chúng tôi sẽ luôn dõi theo, hỗ trợ hết sức để họ yên tâm làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch”.

NGỌC OAI

Tin cùng chuyên mục