0 giờ ngày 28-7, Đà Nẵng thực hiện lệnh phong tỏa 3 bệnh viện lớn tại trung tâm thành phố. Trước giờ phong tỏa, nhận được điện thoại từ cơ quan, chúng tôi chuẩn bị máy móc thiết bị và đồ bảo hộ từ chân tới đầu, áp sát khu vực chuẩn bị phong tỏa, cố gắng chuyển tải tình hình ở tâm dịch đến bạn đọc cả nước.
Nhật ký yêu thương
Trên 2 tuyến đường chính của Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C là đường Hải Phòng, đường Quang Trung, lực lượng công an triển khai rào chắn đường vào bệnh viện. Trên hàng rào bảo vệ, hàng chữ “khu vực phong tỏa - cấm vào” được dựng lên. Chúng tôi cùng hàng chục đồng nghiệp khác kín mít đồ bảo hộ vào hiện trường tác nghiệp. Dưới lớp đồ bảo hộ, mồ hôi chúng tôi chảy đẫm ướt như vừa dưới sông lên. Cũng từ đêm ấy, chỉ vài giờ, hàng trăm y bác sĩ nhận lệnh xa gia đình, vào lại bệnh viện chống dịch.
Đã mấy ngày rồi, dược sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trang công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng phải tạm xa đứa con gái mới 13 tháng tuổi, chưa cai sữa, chưa lần nào phải xa mẹ, để cùng các đồng nghiệp “chui” vào bộ đồ bảo hộ, làm việc trong khu vực phong tỏa. Ai cũng quần quật cả ngày đêm.
“Bây giờ không ai trong chúng tôi còn quan tâm nhiều rằng thêm bao nhiêu ca dương tính hay tử vong. Mỗi ngày xác định tâm thế cứ có ca là lao vào điều trị. Dẫu là ngủ sàn nhà, ăn cơm hộp, làm việc 24/24 giờ. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn thật sự bình tĩnh, tự tin chống dịch”, dược sĩ Trang chia sẻ.
Cũng như dược sĩ Trang, bên trong các bệnh viện cách ly, hàng trăm y bác sĩ phải trắng đêm chiến đấu với dịch bệnh cứu người, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Cuộc sống, sinh hoạt thường nhật của họ đảo lộn. Ngoài giờ chăm sóc cho bệnh nhân, các bác sĩ, nhân viên y tế nấu ăn đưa đến tận giường phục vụ người bệnh. Bên trong khu vực phong tỏa của bệnh viện, công việc nhiều, nặng hơn, nhưng ai cũng làm hết mình để mọi người tin rằng, không ai bị bỏ lại phía sau và ngày mai chúng ta sẽ chiến thắng virus SARS-CoV-2.
Theo nhật ký “Phong tỏa bệnh viện” của bác sĩ Đặng Văn Trí, Bệnh viện C Đà Nẵng, những ngày này, các bác sĩ đang quen dần với “cuộc sống 4 mới”. Với cách sống và làm việc mới, họ gần như là 24/24 giờ liên tục để sắp đặt và tái thiết lại môi trường làm việc khắc nghiệt hơn. Đôi lúc họ cảm thấy mất nhịp sinh học với những bữa ăn quá bữa, vội vàng.
Những ngày làm việc, bác sĩ Trí cùng đồng đội hội chẩn, họp khoa qua Meeting Zoom, Google Meeting và vận hành robot đưa thực phẩm...
“Giờ đây, chúng tôi biết tính toán phải cần bao nhiêu gạo, bao nhiêu lương thực thiết yếu, bảo quản dự trữ ra sao... để nuôi sống chúng tôi và các bệnh nhân một cách khỏe mạnh. Có được nguồn lương thực là một việc, nhưng rồi làm sao chế biến trong điều kiện khắc nghiệt, để các bệnh nhân của chúng tôi có được chế độ ăn bệnh lý và đúng giờ. Người bệnh tim mạch phải bớt tí muối, bớt tí mỡ nhưng bớt bao nhiêu, bởi hàng ngày chúng tôi chỉ tiếp xúc với kim tiêm và banh kéo, chứ mấy ai tiếp xúc với tay dao tay thớt bao giờ”, bác sĩ Trí viết nhật ký trên Facebook. |
Xung phong vào Đà Nẵng
Quyết định phong tỏa khu vực Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng để thực hiện các biện pháp khoanh vùng, phòng chống dịch Covid-19 khiến cho các bệnh nhân đang chữa trị gặp nhiều khó khăn. Nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân nặng để góp phần “chia lửa”, giảm áp lực cho các bệnh viện đang phải phong tỏa. Bệnh viện 199 (Bộ Công an) là một trong những nơi như thế.
Những ngày này, các bệnh nhân từ 3 bệnh viện bị phong tỏa liên tục chuyển sang Bệnh viện 199 để tiếp tục điều trị. Số lượng bệnh nhân ước tính tăng đến 400%, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện 199 căng mình ngày đêm túc trực tại bệnh viện để đáp ứng số lượng bệnh nhân quá tải.
Để san sẻ với những khó khăn vất vả ấy, các chuyên gia của Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) đã tình nguyện tăng cường từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Các chuyên gia sẽ thực hiện hỗ trợ phẫu thuật ngoại bụng, ngoại chấn thương, gây mê hồi sức và đảm bảo can thiệp kịp thời các trường hợp cấp cứu nặng. Đoàn chuyên gia cũng tham gia làm công tác nội khoa, phòng chống dịch.
Vừa thăm khám xong cho một bệnh nhân mới chuyển sang, Th.S-BS Nguyễn Anh Đức, Bệnh viện 19-8 cho biết: “Anh em chúng tôi vào đây cố gắng hết mình để hỗ trợ cho các cán bộ, chiến sĩ và người dân Đà Nẵng với quyết tâm cao, chung tay đẩy lùi Covid-19. Chúng tôi không hề do dự khi lên đường”.
Bác sĩ Trương Xuân Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện 199 - Bộ Công an, tâm sự, đây là sự hỗ trợ cần thiết lúc dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Đây cũng là thời điểm các phòng khoa đang thiếu vật tư, trang thiết bị và đặc biệt thiếu những bác sĩ giỏi. Được sự hỗ trợ của Bệnh viện 19-8, Bệnh viện 199 rất vui mừng và cảm kích.
Dù ở bệnh viện nào, đang trực tiếp chiến đấu với dịch Covid-19 hay ở tuyến lửa cùng đồng nghiệp, các y bác sĩ tại TP Đà Nẵng cũng như các y bác sĩ chi viện cho Đà Nẵng đều mang một quyết tâm chiến thắng trong trận chiến đầy cam go này. Tất cả mọi người đều đồng lòng vì sau lưng họ không chỉ có gia đình thân yêu mà còn rất nhiều bệnh nhân tin tưởng.
Những chuyến xe xuyên đêm... Sáng 5-8, PV Báo SGGP có mặt tại khu vực phong tỏa trên đường Quang Trung, nơi Trạm Cấp cứu 115 Hải Châu đóng chân, nằm ngay sát Bệnh viện Đà Nẵng. Bên ngoài là các chốt của lực lượng công an. Đường vắng lặng. Nhà nhà đóng kín cửa. Thi thoảng có một vài người trùm kín mít ra đường. Hơn 10 ngày qua, các nhân viên, bác sĩ, y tá, điều dưỡng trực cấp cứu tại Trạm Cấp cứu 115 Hải Châu luôn túc trực 24/24 giờ. Chuông điện thoại đổ liên hồi và họ bật dậy mặc đồ bảo hộ, vội vã lên đường chở ca bệnh. Từ khi dịch Covid-19 bủa vây Đà Nẵng, các nhân viên cấp cứu luôn khoác trên mình đồ bảo hộ nặng tới 6kg, khẩu trang N95, kính chuyên dụng và túi bọc giày - một thử thách không hề đơn giản. Lực lượng trực chiến tại trung tâm khoảng 20 người, chia theo ca, kíp trực 24/24 thay phiên nhau để giữ sức, giữ quân và làm mọi biện pháp bảo tồn lực lượng. Với các nữ nhân viên, chỉ sau vài ngày phong tỏa, họ quyết định cắt tóc cho nhau để không bị cản trở trong lúc làm nhiệm vụ. Nhiều lúc họ làm việc xuyên đêm để chở bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng ra Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 điều trị. Mất 5-6 tiếng đồng hồ cho quãng đường hơn 240km và các công đoạn chuẩn bị đưa bệnh nhân lên, xuống xe. “Suốt ngày ngồi trên xe, dù mệt vẫn cố hết sức để góp phần chống dịch, nhưng buồn nhất là chở các đồng nghiệp dương tính đi cách ly. Chưa bao giờ căng thẳng trong cuộc đời làm nghề y như những lúc đó”, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu TP Đà Nẵng, tâm sự. Ngày 4-8, đội trực chiến Trạm Cấp cứu 115 Hải Châu nhận nhiệm vụ chở các ca mắc Covid-19 nặng, phải thở máy từ Bệnh viện Đà Nẵng tới Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Trong đồ bảo hộ che kín toàn thân không thoát khí để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm và phải làm việc trong nhiều giờ liên tục để di chuyển người bệnh bằng xe chuyên dụng, một số nhân viên cấp cứu kiệt sức phải nhờ đồng nghiệp sơ cứu, truyền nước. 10 ngày qua, họ chỉ được ngủ vài tiếng mỗi ngày. “Nhớ nhà, nhớ con, nhớ gia đình nhưng không một ai giơ tay khi tôi hỏi: Hôm nay đứa mô muốn ra khỏi hàng rào? Và tụi nó mỉm cười trả lời: Tụi con ở lại chiến đấu cùng mọi người, cô ơi”, bác sĩ Hồng nghẹn ngào. XUÂN QUỲNH |