Trong lễ khai mạc diễn ra tối 1-8, Phó cục Trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Quốc Huy, chia sẻ: “Cả nước hiện có hàng ngàn di sản văn hóa phi vật thể đang được gìn giữ, trong đó nhiều di sản đã được UNESCO ghi danh hoặc được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Song song đó, lễ hội truyền thống được duy trì, gắn với phong tục, nghệ thuật trình diễn, văn hóa ẩm thực và trang phục truyền thống; nhiều tập quán của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu và phục dựng; nhiều tấm gương sáng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được biểu dương, lan tỏa…”.
Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc là hoạt động rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn nhằm phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, góp phần gìn giữ và tôn vinh các giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Việt Nam.
Hội thi quy tụ gần 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ, nhạc công, kỹ thuật viên các dân tộc thuộc 24 tỉnh, thành phố.
Tại hội thi, các đoàn đã mang đến tiết mục ẩm thực, trình diễn nghi lễ truyền thống, trình diễn dân ca, dân vũ và trang phục dân tộc.
Đại diện đoàn tỉnh Thanh Hóa cho biết, địa phương có 7 dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú cùng đoàn kết sinh sống đan xen nhau, đã tạo nên kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú.
Đoàn tỉnh Thanh Hóa dự kiến trình diễn lễ hội Pôồn Pôông của người Mường huyện Ngọc Lặc, đã được Bộ VHTT-DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016.
Trong khi đó, đoàn tỉnh An Giang sẽ tái hiện lễ cưới truyền thống, nét đẹp văn hóa cộng đồng người dân tộc Chăm Islam An Giang.
Đoàn Quảng Ngãi đã huy động gần 60 nghệ nhân, diễn viên tham gia hội thi. Đoàn sẽ trình diễn các nội dung gồm: Rước biểu tượng vật thiêng tại lễ khai mạc; trích đoạn Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Cor.
Cùng với đó, biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ. Riêng phần thi ẩm thực, Quảng Ngãi trình bày mâm cơm truyền thống của đồng bào dân tộc Cor...