Dự kiến ngày 2-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sẽ tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án vừa nêu.
Không cào bằng tăng thu nhập
Theo dự thảo, việc thí điểm chi thu nhập tăng thêm là thực hiện theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
UBND TP cho biết, Nghị quyết 54 cho phép TPHCM điều chỉnh tăng thu nhập cho công chức không quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ. Căn cứ quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ giai đoạn 2018-2020, TPHCM xác định lộ trình điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù theo từng năm 2018, 2019 và 2020.
Cụ thể, năm 2018 hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ (là tiền lương đã bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ). Năm 2019, tăng tối đa 1,2 lần. Năm 2020, tăng tối đa 1,8 lần.
Sau đó, căn cứ kết quả đánh giá sơ kết thực hiện đề án, căn cứ chủ trương của Quốc hội về tăng lương tối thiểu, TPHCM sẽ tiếp tục xác định hệ số điều chỉnh thu nhập từ năm 2021 đến năm 2022 cho phù hợp thực tế.
UBND TPHCM khẳng định, việc TPHCM trả thu nhập phù hợp đối với công chức dựa trên cơ sở năng suất, hiệu quả lao động. Việc này nhằm đảm bảo tương xứng với năng suất lao động, khuyến khích, tạo động lực cho công chức của TPHCM đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công việc. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, thu hút nhân tài phục vụ tốt hơn đối với sự phát triển bền vững của TPHCM.
Ngoài ra, việc chi thu nhập tăng thêm này phải gắn liền với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
“Căn cứ hệ số điều chỉnh tăng thu nhập nêu trên, các cơ quan, đơn vị thực hiện hệ số điều chỉnh tăng thu nhập cho từng công chức theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo nguyên tắc gắn với hiệu quả công việc. TPHCM sẽ không điều chỉnh tăng thu nhập theo kiểu cào bằng”, dự thảo đề án nêu rõ.
UBND TPHCM cũng đánh giá, việc tăng thu nhập này sẽ góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, nâng cao chỉ số phát triển về kinh tế - xã hội TPHCM. Đồng thời góp phần tăng cường cung ứng dịch vụ công với số lượng và chất lượng ngày càng cao.
Về mặt xã hội, tăng thu nhập tạo tâm lý phấn khởi và động lực đối với công chức tiếp tục cống hiến, đóng góp; kéo giảm tình trạng “chảy máu chất xám”. Điều này còn có tác dụng tích cực, làm thay đổi thái độ làm việc phục vụ nhân dân của công chức trong thực thi công vụ, từ đó nâng cao niềm tin và sự hài lòng của người dân.
Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên mới được tăng thu nhập
Theo UBND TP, đến năm 2017, TPHCM đã trải qua 12 năm thực hiện giao quyền tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan hành chính trong việc sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo quy định của Chính phủ.
Cơ chế này cho phép sử dụng kinh phí tiết kiệm để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá 1 lần so với mức tiền lương cấp bậc, chức vụ do Nhà nước quy định.
Tuy nhiên, số cơ quan hành chính đạt được mức thu nhập tăng thêm tối đa theo quy định rất thấp. Cụ thể, trong giai đoạn 2013-2017, bình quân TPHCM có 770 cơ quan hành chính thực hiện tự chủ và chỉ có 10% đơn vị có mức tăng thu nhập từ 0,8-1 lần; 58% đơn vị có mức tăng thu nhập từ 0,1-0,5 lần…
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, TPHCM đã trải qua 11 năm thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế.
Trong đó, giai đoạn 2013-2017, bình quân TPHCM có 1.831 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ tài chính. Trong đó, chỉ có khoảng 0,4% đơn vị có mức tăng thu nhập trên 3 lần quỹ lương cấp bậc, chức vụ theo quy định.
“Mức lương tối thiểu thấp; chế độ nâng ngạch, bậc, xếp lương chưa gắn với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chức vụ”, UBND TP nhận xét và phân tích thu nhập của công chức tăng theo chu kỳ nhất định chủ yếu dựa vào thâm niên. Điều này không tạo được động lực thúc đẩy cán bộ, công chức viên chức phấn đấu đạt hiệu quả cao trong công tác.
Ngoài ra, chi phí sinh hoạt tại TPHCM khá cao nên so với mức lương tối thiểu thấp, cơ chế nâng ngạch bậc và chu kỳ tăng lương hiện nay chưa đảm bảo cuộc sống của công chức. Do đó, chưa tạp động lực để thu hút nhiều lao động có năng lực cũng như khuyến khích công chức phấn đấu đạt hiệu quả cao trong công việc.
Tuy nhiên, dự thảo đề án nêu rõ, việc thí điểm điều chỉnh tăng thu nhập chỉ áp dụng đối với công chức thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã - phường - thị trấn được cơ quan có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Để việc chi trả đúng đối tượng, UBND TP cũng yêu cầu Sở Nội vụ hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND TP hiệu quả công việc của công chức tại các cơ quan, đơn vị thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo đề án này.
Năng suất cao, thu nhập thấp
Theo thống kê, trong giai đoạn 2013-2017, năng suất lao động của TPHCM gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước.
Bên cạnh năng suất cao trong khu vực các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động của bộ máy quản lý hành chính TPHCM cũng đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Theo đó, năng suất phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước TPHCM cũng gấp 1,5 lần cả nước.
Trong khi đó, tổng thu nhập hiện nay của công chức được áp dụng chung cho cả nước, chưa tương xứng với năng suất lao động bình quân thực tế của TPHCM, chưa đáp ứng được mức chi phí sinh hoạt thực tế tại TPHCM.