Cưu mang những mảnh đời không may
Điểm nuôi dạy trẻ khuyết tật của bà Hồng (63 tuổi) tại phường Ia Kring, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai rộng hàng trăm mét vuông, gồm sân chơi, phòng học, phòng đọc sách, bếp, phòng ngủ và nhà tắm. Khi chúng tôi có mặt, bà Hồng đang vui đùa với các cháu nhỏ trước sân. Tay bà thoăn thoắt lấy đồ ăn cho cháu này, rồi xoay qua cầm sách hướng dẫn cháu khác đọc bài. Có cháu muốn đi vệ sinh, bà lại nhanh nhẹn cầm tay cháu dẫn đi. Thỉnh thoảng có cháu khóc ré lên, bà vội ân cần đến cạnh bên vỗ về. Hơn 30 phút quan sát, chúng tôi thấy bà Hồng làm đủ mọi việc lớn, nhỏ để chăm sóc những đứa trẻ khuyết tật. Gương mặt bà ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc với công việc mà bà tự nguyện dấn thân.
Bà Hồng cho biết đang nhận nuôi 40 trẻ câm điếc, tự kỷ, bại não… Đa phần trong số đó là trẻ mồ côi với 25 cháu không có gia đình. Các cháu còn lại có cha hoặc mẹ, được phụ huynh sáng chở lên gửi, chiều đón về nhà. “Nuôi các cháu khuyết tật vốn đã vất vả, nhưng dạy các cháu còn vất vả hơn nhiều. Tất cả các cháu tôi đều dạy tập đọc, tập viết. Với các cháu chậm hiểu thì tôi dạy nhận biết đồ vật xung quanh, phải kiên trì, yêu thương mới làm được. Đó là lý do tôi không ở phòng riêng mà cùng ở, cùng ăn, cùng sinh hoạt với các cháu”, bà Hồng tâm sự.
Lật cuốn vở có nét chữ tròn trịa, bà Hồng khoe: “Đây là chữ của một cháu bị tự kỷ viết. Hồi đầu, cháu không biết gì cả. Được hướng dẫn, kèm cặp, cháu nói chuyện nhiều hơn, biết viết, mà viết rất đẹp. Có nhiều cháu câm, điếc khác cũng biết đọc chữ, làm toán”. Bà chia sẻ thêm: “Có cháu khiếm thính từng được nuôi dưỡng ở đây, giờ đã có gia đình, mở tiệm làm móng. Thấy các cháu tiến bộ, tôi hạnh phúc lắm, xem đó là động lực sống của tuổi già”.
Toàn tâm toàn ý chăm sóc trẻ
Bà Phạm Thị Hồng lên TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) lập cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi cách đây 23 năm. Trước đó, bà sống ở TPHCM và đã có 12 năm dạy dỗ trẻ khuyết tật.
Nói về quyết định rời TPHCM lên Pleiku, bà Hồng kể: “Qua báo chí, tôi thấy ở phố núi chưa có cơ sở nào nuôi dưỡng trẻ khuyết tật mồ côi nên quyết định lên TP Pleiku sinh sống và lập ra cơ sở nuôi dạy trẻ như bây giờ. Hồi ở TPHCM, tôi cũng đã thích làm công việc này nhưng luôn bị bố mẹ khuyên can vì sợ tôi vất vả. Cũng vì tâm trạng này của người thân nên tôi lên TP Pleiku, xem như “trốn” đi để thực hiện tâm nguyện. Sau nửa năm đầu, tôi trở lại TPHCM, mang theo các cháu khuyết tật về thăm gia đình và mẹ tôi đã khóc! Khóc vì thấy tôi không chịu lập gia đình mà còn vất vả nhận nuôi nhiều trẻ. Mãi 11 năm sau, mẹ mới chấp nhận công việc tôi đang làm”.
Khi mới lên vùng đất đỏ khá hoang sơ, hẻo lánh này, bà Hồng phải tự mình vượt qua những khó khăn ban đầu. Bà tìm thuê nhà để ở, cứ hay tin ở đâu có trẻ khuyết tật bị bỏ rơi thì tìm đến xin nhận về nuôi dưỡng. Mới đầu có 1-2 cháu, sau này nhiều người thấy bà thực sự có tấm lòng thương yêu trẻ nên họ mang đến gửi hoặc chỉ dẫn cho bà biết các hoàn cảnh khó khăn để đến đón về nuôi. Để có chi phí nuôi dạy trẻ, bà dùng hết nguồn thu từ rẫy cà phê. Bà cũng không lập gia đình để toàn tâm toàn ý chăm sóc trẻ, xem đó như những đứa con ruột thịt của mình.
“Công việc rất nhiều, nhưng tôi chưa bao giờ thấy buồn chán hay mệt mỏi. Tôi từ bỏ công việc, tiền bạc, tuổi thanh xuân chỉ vì muốn chăm sóc, bù đắp cho sự thiệt thòi của các cháu. Tôi đã nguyện sẽ tiếp tục công việc nhận nuôi trẻ khuyết tật mồ côi cho đến khi không còn trên cõi đời này hoặc không còn sức lực nữa”, bà Hồng trải lòng. |