Hiện, Bộ đội Biên phòng và Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cùng phối hợp với Đài Duyên hải Quy Nhơn, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện ven biển, thành phố Quy Nhơn cùng với phía gia đình các chủ tàu thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão, để tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết, phòng tránh.
Thủ phủ mai miền Trung tất tưởi "chạy" bão Con Voi
Trong ngày 3-11, tại “thủ phủ” mai Nhơn An (TX. An Nhơn, Bình Định) được mệnh danh lớn nhất miền Trung đang tất tưởi lo chuyển những chậu mai đem đến nơi cao ráo để “chạy” bão. Theo các chủ vựa mai, năm trước do chủ quan không “chạy trước” nên nhiều hộ trở nên “méo mặt” vì bão quật gãy đổ, hư hại hết mai nuôi.
Để nuôi được những vựa mai đến hàng ngàn chậu thì người dân tại xã Nhơn An phải tốn không biết bao công sức, tiền của quần quật quanh năm suốt tháng mới thu được thế nên đối với họ mai đôi khi còn quan trọng hơn cả nhà cửa.
Trận lũ năm ngoái đã nhấn chìm trên 5.000 chậu mai của gia đình ông Phan Văn Bảo (54 tuổi, Nhơn An) khiến ông mỗi khi nhắc đến bão, lũ là giật mình. “Nước năm ngoái dâng lên cao lắm, ngay cả tuyến đường bê tông cao ngoài quốc lộ 1 cũng ngập trong biển nước. Ngay sáng nay khi vừa mới nghe tin bão lũ thì giật mình nên kêu gọi cả gia đình ra khiêng mai, di chuyển một số chậu đã nở búp, chậu loại 1 lên vùng cao cho chắc. Chứ mà bị ngập nước như năm ngoái nữa thì bỏ vựa, bỏ nghề...”, ông bảo kể trong lo lắng.
Còn đối với ông Nguyễn Xuân Quang (40 tuổi) thì do gấp quá nên để giữ lại mai không bị hư hỏng, ông đành thuê 10 nhân công để di chuyển những chậu mai vào xe rùa rồi đưa vào vách sau nhà để tránh bão. Trong những vựa mai người ta chăm sóc rồi phân loại ra thành từng loại, loại nào đẹp thì người dân để riêng ra vào bảo vệ, chăm sóc rất an toàn nên khi xảy ra bão, lũ thì họ đem vào vườn nhà kê ván cao phòng tránh.
Trước tình hình bão số 12 đang tiến sát bờ, ngay trong chiều 3-11, ông Đào Đức Tuấn - Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định đã có văn bản chỉ đạo tất cả các trường mầm non, phổ thông... trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học từ ngày mai (4-11). Chỉ khi con bão đi qua, nước lũ rút, giáo viên và học sinh an toàn trên đường đến trường thì mới tiếp tục để các em quay lại lớp nhằm tránh xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
Việc này cần thông báo rộng rải đến các địa phương miền núi, vùng sâu xã nên ông Tuấn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải nhờ đài Phát thanh địa phương để thông báo cho học sinh biết thông tin cho nghỉ học; Hiệu trưởng báo cáo với chính quyền địa phương thông báo gia đình học sinh biết và đề nghị họ giữ con em mình ở nhà, không cho đi đùa nghịch nước, chèo bè, chống sõng, tắm mưa, vớt củi… rất nguy hiểm.