Trong 2 ngày 8 và 9-10, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Nguyễn Xuân Nghĩa cùng đồng bọn về tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo khoản 1, Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Sáu bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa gồm: Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh 1949, trú tại phường Quán Trữ, quận Kiến An (Hải Phòng); Nguyễn Văn Túc, sinh 1964, trú ở xã Đông La, huyện Đông Hưng (Thái Bình); Ngô Quỳnh, sinh 1984 ở phường Phương Mai, quận Đống Đa (Hà Nội); Nguyễn Văn Tính, sinh 1942 ở phường Lãm Hạ, quận Kiến An (Hải Phòng); Nguyễn Mạnh Sơn, sinh 1943 ở Lý Thường Kiệt, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) và Nguyễn Kim Nhàn, sinh 1949 ở xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang).
Ba bị cáo Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh đã đồng thời mời hai luật sư Trần Vũ Hải và Lưu Vũ Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) tham gia bào chữa cho các bị cáo. Các bị cáo Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Kim Nhàn không mời luật sư, xin tự bào chữa.
Tham dự phiên tòa còn có đại diện Đại sứ các nước Mỹ, Thủy Điển, Úc tại Việt Nam và phóng viên của một số hãng thông tấn quốc tế như Reuters (Anh), AFP (Pháp), DPA (Đức).
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, vào đầu tháng 8-2008, Nguyễn Xuân Nghĩa cùng đồng bọn đã có hành vi treo khẩu hiệu, rải truyền đơn tại cầu vượt Lạch Tray (Hải Phòng) và cầu vượt Lai Cách (Hải Dương) để chụp ảnh, viết bài xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân rồi đưa lên mạng internet tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, các đối tượng trên (ngoại trừ Ngô Quỳnh) còn có hành vi soạn thảo, tàng trữ, phát tán tài liệu có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các bị cáo thường xuyên gửi cho các trang web ở nước ngoài nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đòi đa nguyên đa đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng... kích động chống đối, phỉ báng chính quyền nhân dân, tác động xấu tới công cuộc đổi mới, gây nguy hại đến tình hình an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Riêng với bị cáo Nguyễn Xuân Nghĩa, từ năm 2007, đã tham gia Ban đại diện lâm thời Khối 8406 (tổ chức phản động do Nguyễn Văn Lý và Phan Văn Lợi dựng lên). Từ năm 2007 đến ngày bị bắt, Nghĩa có tới 57 bài viết có nội dung xuyên tạc bôi xấu Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tương tự, Tính, Sơn, Túc cũng có nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc gửi tới các trang web phản động như "Đối thoại", "Hưng Việt", "Tổ quốc"...
Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận đã thực hiện các hành vi nêu trên, song, không thừa nhận đó là hành vi vi phạm pháp luật của Nhà nước. Riêng bị cáo Nhàn thừa nhận phiên tòa diễn ra đổi mới, dân chủ, công minh. Các luật sư biện hộ cho rằng hành vi của các bị cáo chỉ đơn thuần là bày tỏ quan điểm cá nhân, không cố tình chống đối, nói xấu Nhà nước.
Song, Hội đồng xét xử đã xét những quan điểm này phản ánh không đúng thực trạng của xã hội, có nội dung bịa đặt, kích động, nói xấu Nhà nước, mang tính chủ quan, phiến diện, đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Vì vậy, Hội đồng xét xử cho rằng: lời bào chữa của các bị cáo cũng như biện hộ của luật sư là không có cơ sở thuyết phục, thậm chí còn làm xấu đi tình trạng của các bị cáo, các cáo buộc của Viện kiểm sát là có căn cứ pháp luật.
Hội đồng xét xử nhận định: Đây là vụ án xâm hại an ninh quốc gia rất nghiêm trọng. Các bị cáo trong vụ án từ chỗ là người bất mãn cá nhân, ngộ nhận về chính trị đã cấu kết quan hệ với nhau để thực hiện các hành vi chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các bị cáo đã lạm dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận để tổ chức treo khẩu hiệu, rải truyền đơn, viết bài, phát tán chủ ý tuyên truyền trên mạng Internet và tàng trữ nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc sự thật, nói xấu Đảng và Nhà nước.
Hành vi phạm tội của 6 bị cáo là rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đông đảo nhân dân. Xét thấy, ngay tại phiên tòa, các bị cáo vẫn chưa thành khẩn, còn biểu hiện tư tưởng sai lệch, chống đối, do vậy, cần phải áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc nhằm giáo dục, cải tạo các bị cáo và phòng ngừa chung.
Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã tuyên phạt: Nguyễn Xuân Nghĩa 6 năm tù giam, Nguyễn Văn Túc 4 năm tù giam, Nguyễn Văn Tính và Nguyễn Mạnh Sơn đều bị 3 năm 6 tháng tù giam, Ngô Quỳnh 3 năm tù giam và Nguyễn Kim Nhàn 2 năm tù giam. Ngoài ra, cả 6 bị cáo còn chịu hình phạt bổ sung từ 2 đến 3 năm quản chế tại địa phương sau khi thi hành xong hình phạt tù. Các bị cáo có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án.
Vũ Văn Đức (TTXVN)