Bộ GTVT vừa cho biết, đến ngày 15-10, đã có 40 sở GTVT báo cáo về việc triển khai chạy tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh.
Trong đó, 12 sở đang chờ UBND tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục lại tuyến (Cần Thơ, Hà Giang, Gia Lai, Nam Định, Bạc Liêu, Quảng Ninh, Bình Phước, Lâm Đồng, An Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hậu Giang).
28 sở đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đồng ý gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Điện Biên, Đà Nẵng, TPHCM, Long An, Đắk Nông, Phú Thọ, Phú Yên, Lai Châu, Kon Tum, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Bình, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Bình, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Đắk Lắc, Nam Định, Bình Dương.
Bộ GTVT cũng cho biết, đến ngày 15-10, đã có 22 tỉnh đang hoạt động vận tải liên tỉnh với 247 tuyến đăng ký nhưng chỉ có 128 tuyến chạy thực tế; 316 chuyến đăng ký hoạt động/ngày nhưng thực tế chỉ hoạt động 66 chuyến/ngày. Riêng ngày 15-10 chỉ có 65 xe hoạt động, chở 203 khách.
Theo ghi nhận từ các địa phương Hà Tĩnh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Nghệ An… hoạt động vận tải hành khách vẫn đang thực hiện cầm chừng. Nhiều tuyến đã đăng ký nhưng không thực hiện do lượng hành khách quá ít. Nguyên nhân là do hành khách vẫn lo ngại các biện pháp phòng dịch quá chặt chẽ của địa phương nơi đến.
Trong khi đó, một số tuyến có nhu cầu hành khách cao nhưng chưa được địa phương có bến đối lưu đồng ý nối lại.
Cùng ngày, Sở GTVT Đắk Lắk đã có văn bản gửi Sở GTVT TPHCM đề nghị dừng thí điểm từ 18 giờ 00 ngày 15-10 tuyến Đắk Lắk – TPHCM, lý do lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk phát hiện một số trường hợp phương tiện hoạt động không đúng quy định, không đáp ứng các quy định của Bộ GTVT và các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.