6 tháng đầu năm: nhiều thử thách
Số liệu bán lẻ vừa công bố tháng 11-2022 của Mỹ kém hơn dự đoán, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng Fed đã “siết” nền kinh tế quá chặt, có thể đẩy cả nền kinh tế hàng đầu thế giới này vào suy thoái. Minh chứng là sau đợt quyết định tăng lãi suất tháng 12 ở Mỹ, các thông tin về cuộc họp sau đó cho thấy các thành viên ủy ban quyết định chính sách tiền tệ của Mỹ là FOMC, đang kỳ vọng đỉnh lãi suất có hiệu lực vào khoảng 5,1% của năm 2023 (so với mức 4,33% vào ngày 15-12 sau khi quyết định lãi suất mới có hiệu lực). Điều này phản ánh rằng Fed có thể tăng lãi suất thêm 0,75% trong năm 2023.
Lãi suất USD đóng vai trò quan trọng trên thị trường tài chính toàn cầu, có thể ảnh hưởng đến thanh khoản cũng như lãi suất nhiều nền kinh tế khác, và làm biến động dòng vốn quốc tế. Vậy nên lãi suất USD cao hơn dự đoán 5% và kéo dài hơn, có thể đến hết 2023, sẽ tạo ra tác động hút dòng vốn quốc tế tiếp tục trú ẩn vào các tài sản an toàn, đặc biệt là tài sản tài chính Mỹ. Điều này khiến đồng USD không tiếp tục trượt nhanh như xu thế diễn ra từ cuối tháng 10-2022, thậm chí tăng trở lại với các đồng tiền chính. Và khi lãi suất USD cao và mạnh sẽ tác động tạo áp lực mất giá lên các đồng nội tệ ở các thị trường đang phát triển như trong 2022.
Ở một góc độ khác, 2023 thế giới còn đối mặt với tình trạng thanh khoản chung trên thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục sụt giảm. Trong bối cảnh kinh tế đang xấu đi, một số ngân hàng trung ương (NHTW) vẫn đang tiếp tục tiến trình thắt chặt tiền tệ. Lấy thí dụ NHTW châu Âu (ECB). Không chỉ tăng lãi suất lên thêm 0,5%, Chủ tịch ECB bà Christine Lagarde, còn làm thị trường có phần bất ngờ khi là người tỏ ra “diều hâu” hơn Fed, tức ECB sẽ phải tăng lãi suất để thắt chặt tiền tệ, thông qua việc phát tín hiệu sẽ bắt đầu để bảng cân đối của ECB thu hẹp. Điều này cho thấy các nền kinh tế toàn cầu sẽ phải chật vật đối mặt với những thay đổi này trong 6 tháng đầu năm, cho đến khi họ thích nghi và có giải pháp ứng phó.
Gió nghịch, gió thuận
Kinh tế toàn cầu đi xuống, tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển chậm lại, sản xuất công nghiệp tiếp tục thu hẹp, đầu tàu kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng yếu, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao dù đã đi xuống, và địa chính trị ở châu Âu vẫn phức tạp là những cơn gió ngược đẩy lùi kinh tế toàn cầu, đây là điều dễ dàng nhận ra. Là một trong năm nền kinh tế có độ mở bậc nhất châu Á, theo đánh giá của Fitch Solutions, Việt Nam sẽ chịu tác động bởi tiến trình tăng trưởng chậm lại và suy giảm tiêu dùng của kinh tế toàn cầu.
Đánh giá chung về thị trường các nước ASEAN 2023, Ngân hàng đầu tư JP Morgan cho rằng, thị trường các nước này sẽ đối mặt với những khó khăn do sức cầu nước ngoài với hàng xuất khẩu ở những nước này yếu đi, tác động kích thích kinh tế của mở cửa sau dịch Covid-19 trong năm 2021 dần đi qua, thanh khoản thu hẹp, lãi suất tăng cao, thu nhập thực của người dân tăng chậm và tiết kiệm thực sụt giảm. Những nền kinh tế hướng về thương mại quốc tế làm động lực chính như ASEAN sẽ bị tác động xấu vẫn là trở ngại chính.
Nhưng cũng có những cơn gió thuận chiều thúc đẩy kinh tế. Đó là kỳ vọng về việc Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách zero Covid, với những động thái như đại diện cơ quan y tế của Trung Quốc cho rằng chủng virus Covid mới không nguy hiểm hơn virus cúm, chính quyền dừng đếm ca mắc Covid không triệu chứng, nới lỏng các công cụ kiểm soát nhiễm bệnh và đẩy mạnh tiêm mũi 4... Với người già, được xem là “điểm mấu chốt” cần bảo vệ để tiến tới mở cửa, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh tiêm vaccine cho nhóm này. Những động thái này của Trung Quốc được xem là tín hiệu đáng mừng cho kinh tế thế giới. Sự mở cửa của một trong những nền kinh tế có quan hệ giao thương rộng lớn với khu vực kinh tế ASEAN, bao gồm Việt Nam, là một tín hiệu tốt cho kinh tế Việt Nam.
Chính vì vậy, JP Morgan cho rằng các chỉ số chứng khoán khu vực ASEAN sẽ tạo ra một “cú nhảy bungee” trong năm 2023, đó là giảm xuống đáy mới trong giai đoạn nửa đầu 2023, sau đó bật lên trở lại khi những khó khăn dần được hấp thụ và những cơn gió thuận chiều đến, chẳng hạn lãi suất Mỹ dừng tăng và Trung Quốc mở cửa nhiều hơn từ giữa năm 2023. Hàng tồn kho của các doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu cũng cần được lấp đầy trở lại.
Cú nhảy bungee này cũng có cùng nguyên lý tương đồng với cách nhìn “tiền hung, hậu kiết” trong nhiều báo cáo khác. Nói cách nào đó, ai cũng đang nhìn thấy tương lai nửa đầu 2023 là khó khăn chung trên toàn cầu. Nhưng người ta hy vọng đợt suy giảm kinh tế toàn cầu lần này sẽ “nông” và “nhanh”, những tín hiệu lạc quan sẽ đến từ giữa 2023. Ít ra đầu năm mới cũng nên lạc quan.
Là một trong năm nền kinh tế có độ mở bậc nhất châu Á, Việt Nam sẽ chịu tác động bởi tiến trình tăng trưởng chậm lại và suy giảm tiêu dùng của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng đợt suy giảm kinh tế toàn cầu lần này sẽ “nông” và “nhanh”, ít ra đầu năm mới cũng nên lạc quan.