Chưa hết khó khăn
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV, ví năm 2022 như thời điểm “giải phóng hàng tồn kho” khi nhiều phim không tìm được cơ hội ra rạp vào các năm bình thường, đã lần lượt ra mắt, tạo thành phản ứng dây chuyền. “Dự kiến có khoảng 30-35 phim ra rạp năm 2023, chưa bằng năm 2019 và chắc không có đột biến về mặt số lượng.
Dù có những hứa hẹn nhất định, nhưng bao nhiêu phim hoành tráng, phim hay thì chưa biết”, ông Hải nhận định. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng cho rằng, năm 2023 vẫn là thời điểm khó khăn: “Có những năm điện ảnh bùng nổ vì có cái lạ lẫm, mới mẻ để thu hút khán giả. Nếu cứ đi theo lối mòn, quen rồi, khán giả không ra rạp xem nữa”.
Theo các nhà làm phim, khó khăn của thị trường vẫn là những bài toán mang tính cố hữu. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho rằng, cả nhân sự điện ảnh lẫn cách làm phim hiện tại vẫn chỉ có thế.
“Chúng ta đang thiếu rất nhiều nhân sự giỏi, tài năng. Một biên kịch giỏi, đắt show có thể nhận nhiều kịch bản và chia nhóm viết nên thành ra mọi thứ vội vàng. Với diễn viên, hiện tại chúng tôi không biết kêu ai vừa giỏi, vừa đẹp, vừa có thể bán được vé. Việt Nam đang thật sự thiếu những ngôi sao điện ảnh, đặc biệt là những người có diễn xuất hấp dẫn”, anh phân tích thêm.
Bối cảnh được đầu tư hoành tráng trong "Đất rừng phương Nam". Ảnh: ĐPCC |
Liên quan đến câu chuyện kinh phí làm phim, sau những thất bại của các phim đầu tư kinh phí lớn như: Kẻ thứ 3, Thanh sói, 578: Phát đạn của kẻ điên… việc đầu tư lớn cho điện ảnh ở thời điểm này càng được cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Không phải dự án nào cũng may mắn nhận được sự chia sẻ từ cộng đồng thông qua hình thức bán NFT (tài sản số) như Móng vuốt. Ông Hoàng Hải đặc biệt nhấn mạnh trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, các nhà đầu tư ngoài điện ảnh sẽ không còn nhiều tiền.
“Trước đây, thị trường thường có các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, kinh doanh có tiền nên góp vốn sản xuất phim. Vì khó khăn kinh tế, họ sẽ tập trung vào ngành kinh doanh chính thay vì vào giải trí”, ông Hải cho biết.
Phải nói thêm, thời gian qua, việc xuất hiện phim chất lượng thấp ra rạp đã phần nào làm giảm lòng tin của khán giả với phim Việt. Đại diện cụm rạp BHD cho rằng, khán giả sẽ cân nhắc kỹ hơn khi mua vé thưởng thức một bộ phim, nhất là phim Việt.
“Sửa sai” thế nào?
Từng nhận nhiều ý kiến trái chiều với Chuyện ma gần nhà, khi bắt tay thực hiện Tết ở làng địa ngục, đạo diễn Trần Hữu Tấn xác định: “Với những kinh nghiệm, thấu hiểu và bài học rút ra, tôi tin dự án lần này sẽ tốt hơn về nhiều mặt, nhất là ở khâu kịch bản. Quyết tâm của tôi là chinh phục những khán giả khó tính và “sửa sai” những điều mà tôi mắc phải ở dự án trước”.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng có thể thấy ở Đất rừng phương Nam khi ê kíp mất đến gần 2.000 ngày chuẩn bị trước khi bấm máy những phân cảnh đầu tiên. Dẫu còn những ý kiến trái chiều về khâu thiết kế mỹ thuật nhưng không thể phủ nhận sự “chịu chơi” của ê kíp khi quyết định tái hiện cảnh nhộn nhịp của chợ nổi miền Tây.
Hay như Công tử Bạc Liêu, các tư liệu quảng bá từ teaser poster, video đều cho thấy sự tâm huyết, đầu tư bài bản và chỉn chu. Quá trình thực hiện Lật mặt 6, đạo diễn Lý Hải còn khôi phục một làng nghề dệt chiếu có tiếng ở miền Tây, chăm chút từng chi tiết cho bối cảnh.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho rằng: “Nhìn lại một năm thất bại của điện ảnh, mỗi nhà làm phim phải tự đánh giá lại mình. Thất bại nằm ở chính bộ phim chứ không thể đổ lỗi cho ai khác”. Hầu hết các nhà làm phim đều hiểu chất lượng phim là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Nói như đạo diễn Trần Hữu Tấn: “Tôi cho rằng, dù nhu cầu hay thói quen thưởng thức có thay đổi thế nào, khán giả thích xem phim trực tuyến nhiều hơn xem phim rạp, điều tiên quyết chính là chất lượng bộ phim phải hay trước đã. Đó không phải là sự khó khăn, mà chính là cơ hội để mỗi nhà làm phim phải luôn tư duy đổi mới và kỹ hơn trong quá trình làm phim”.
Có một thực tế, để bán vé tốt, câu chuyện phim phải đủ hấp dẫn và tạo hiệu ứng truyền miệng tốt. Điều này đã được kiểm chứng từ những bộ phim dù được đánh giá thực hiện chỉn chu, có chất lượng ổn như Tro tàn rực rỡ hay Thanh sói nhưng vẫn không bùng nổ về doanh thu. Nó minh chứng, gu thưởng thức của khán giả, đặc biệt là gen Z - đối tượng khán giả chính tại rạp chiếu hiện nay đã thay đổi rất nhiều, đòi hỏi nhà làm phim phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của họ.
Tính đến thời điểm này, ngoài mùa phim tết với 3 tác phẩm Nhà bà Nữ, Chị chị em em 2 và Siêu lừa gặp siêu lầy, có thể kể đến một số dự án đáng mong đợi trong năm 2023 như Vong nhi, Khi ta 25, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Móng vuốt, Tết ở làng địa ngục, Đất rừng phương Nam, Công tử Bạc Liêu, 9 giờ bão lửa, Fanti…