Theo chương trình phiên họp thứ 24, chiều nay 12-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2030.
Số lượng thuộc diện bắt buộc sắp xếp lớn hơn nhiều
Dự thảo nghị quyết có 4 chương, 25 điều, quy định cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp; kiện toàn tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và chế độ, chính sách với người dôi dư sau sáp nhập…
Theo dự thảo, các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định. Quy định này không áp dụng với trường hợp nhập từ 3 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên hoặc có yếu tố đặc thù về văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư, điều kiện địa lý tự nhiên mà không thể nhập, điều chỉnh thêm với đơn vị hành chính cùng cấp khác.
Với các đơn vị hành chính đô thị, dự kiến hình thành sau sắp xếp phải đáp ứng tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, loại đô thị hoặc trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030 đặt ra không ít thách thức, do số lượng thuộc diện bắt buộc sắp xếp lớn hơn nhiều so với giai đoạn 2019-2021.
Quang cảnh phiên họp thứ 24 của UBTVQH. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Theo tờ trình của Chính phủ, chỉ tính riêng giai đoạn 2023-2025 dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp đối với 33 đơn vị hành chính cấp huyện và trên 1.300 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp (chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu).
Ủy ban Pháp luật cho rằng, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Chính phủ, sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành và sự nỗ lực, quyết tâm cao của chính quyền địa phương các cấp trong triển khai thực hiện mới hoàn thành được mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030.
Hỗ trợ cán bộ quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp đơn vị hành chính
Liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy và áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, cơ quan thẩm tra nhận thấy, các quy định trong dự thảo đã thể hiện đúng tinh thần kết luận của UBTVQH từ phiên họp thứ 23 và kiến nghị của nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo nghị quyết quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp đơn vị hành chính. Điều này nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị là quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do sắp xếp.
Về kinh phí thực hiện chủ trương sáp nhập huyện, xã giai đoạn tới, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, dự thảo nghị quyết chưa quy định rõ khoản ngân sách trung ương hỗ trợ được sử dụng cho những nhiệm vụ chi nào trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, chưa thể hiện rõ đây là khoản hỗ trợ bổ sung cân đối cho địa phương hay hỗ trợ có mục tiêu.
Thêm nữa, dự thảo nghị quyết đã quy định kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm sẽ dẫn tới trùng lắp trong bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi (gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản).
Để phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng giữa các địa phương, nhất là các địa phương thu ngân sách nhà nước còn khó khăn, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị quy định theo hướng: ngân sách trung ương hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với mức hỗ trợ tối đa không quá 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện và tối đa không quá 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã để đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách khi có nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách trung ương sẽ lập dự toán và thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ kèm căn cứ để các địa phương lập dự toán. Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách để chỉnh lý quy định của dự thảo nghị quyết.
Dự thảo nghị quyết quy định, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính sau sắp xếp.
Có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định trên “rất khó khả thi”, đề nghị xem xét kéo dài hơn thời hạn 2 năm để địa phương có thêm thời gian tổ chức định giá tài sản và xây dựng phương án sắp xếp phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần ban hành quy định, hướng dẫn riêng về sắp xếp, xử lý trụ sở dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.