Các tin tức khả quan về vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca/Đại học Oxford, cùng khả năng sẽ có thêm các vaccine khác và các phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho phép thế giới dần dần trở lại cuộc sống bình thường. Khi đại dịch tạm ổn, nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi trở lại. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm tới được dự báo sẽ đạt mức 4%-5%.
Sự khác biệt trong khả năng kiểm soát dịch Covid-19 giữa các quốc gia và khu vực kéo theo mức độ ảnh hưởng về kinh tế sẽ không giống nhau, có xu hướng nghiêm trọng hơn ở các nền kinh tế phát triển phương Tây so với ở các nền kinh tế mới nổi của châu Á. Các nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ khởi động năm 2021 trên một nền tảng vững chắc, trong khi các điều kiện tăng trưởng tồi tệ hơn sẽ làm chậm quá trình phục hồi của các quốc gia phát triển phương Tây. Trong đó, Đông Nam Á sẽ có một năm 2021 tốt đẹp hơn những gì đã trải qua trong năm 2020. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 đạt 2,91%, thuộc nhóm quốc gia đạt tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Nhìn chung, nền kinh tế, thương mại toàn cầu và chi tiêu của người tiêu dùng sẽ phục hồi, trong đó số hóa tiền tệ được dự báo sẽ là diễn biến đáng chú ý nhất.
Nổi bật trên chính trường vẫn là các diễn biến tại nước Mỹ. Chính phủ mới của Tổng thống Joe Biden sẽ tập trung xây dựng lại mối quan hệ với các đồng minh chủ chốt ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương. Nước này cũng sẽ nỗ lực củng cố trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ do phương Tây dẫn dắt và tập hợp thêm đồng minh là những nước cùng chí hướng để cải tổ hệ thống thế giới nhằm đối phó hiệu quả hơn với những thách thức của thế kỷ 21, bao gồm cả sự trỗi dậy của Trung Quốc, biến đổi khí hậu và vấn đề công nghệ. Để làm được như vậy, Liên minh châu Âu và Mỹ sẽ phải vượt qua những bất đồng trong các vấn đề như chi phí quốc phòng hay tranh chấp thương mại. Đồng thời, Mỹ cũng cần phải giải quyết được những căng thẳng gần đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, tham gia trở lại một số thỏa thuận và cơ chế mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rời bỏ.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn sẽ là chủ đề nóng trong năm 2021 này. Chính quyền ông Joe Biden sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng sẽ nỗ lực xây dựng một lực lượng đồng minh liên kết chặt chẽ. Công nghệ là một trong những lĩnh vực chủ chốt mà ông Joe Biden sẽ chú trọng trong việc đối phó với Trung Quốc. Một cuộc chiến công nghệ mở rộng trên nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, công nghệ viễn thông 5G, tăng cường kiểm soát chặt chẽ công nghệ điện toán đám mây, các dịch vụ kỹ thuật số và công nghệ tài chính... nhiều khả năng sẽ xảy ra. Đáp lại, Bắc Kinh sẽ tìm cách tiết chế một số khía cạnh trong chiến lược “ngoại giao chiến lang” của họ để có thể cản trở chiến lược xây dựng mạng lưới đồng minh quốc tế của Mỹ.
Không thể không nhắc tới biến đổi khí hậu, yếu tố có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn Covid-19. Chính vì vậy, các quốc gia và giới doanh nghiệp, kể cả các công ty sản xuất năng lượng và các công ty tiêu thụ năng lượng lớn, đều sẽ nỗ lực thúc đẩy hoạt động trong năm 2021 để đạt được các mục tiêu trung hạn về giảm phát thải khí nhà kính và họ sẽ điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đạt được những mục tiêu này. Hầu hết các chính phủ cũng sẽ coi các dự án phát triển xanh là trụ cột trong các kế hoạch kích thích phát triển kinh tế hậu đại dịch, các ngành công nghiệp xả thải nhiều sẽ tiếp tục bị giám sát và kiểm tra rất chặt chẽ.
Năm 2020 đã hết với những mong đợi chưa thành hiện thực. Ai cũng có thể cảm nhận được trực tiếp và chân thực hơn về sự xáo trộn của cả thế giới trong năm qua. Tuy nhiên, năm 2021 chắc chắn sẽ là năm của sự phục hồi và hy vọng, cho dù quá trình này sẽ diễn ra không đồng đều trên toàn cầu.