Để giảm ngân sách cho thành phố, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, UBND TPHCM đã yêu cầu các quận, huyện thực hiện đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn (PLRTN).
Thu gom rác thải phân loại tại nguồn ở quận 1. Ảnh: CAO THĂNG
Tập trung nâng cao nhận thức Thực tế đã chứng minh rằng, khó khăn lớn nhất của việc kêu gọi thực hiện PLRTN hiện nay đó chính là ý thức của cộng đồng dân cư. Một khi ý thức chưa thay đổi thì hiệu quả của việc tuyên truyền sẽ không thành công. Để chương trình đạt kết quả, việc nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư được xem là yếu tố tiên quyết, đóng vai trò quan trọng. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND quận 3, cho biết với mục tiêu đạt tỷ lệ PLRTN trên 50%, các phường đang triển khai thực hiện PLRTN, trong giai đoạn 2018-2020, quận 3 tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng người dân. Cụ thể như xây dựng lực lượng tuyên truyền viên phối hợp với UBND các phường phát tài liệu tập huấn, hướng dẫn PLRTN đến các chủ nguồn thải trên địa bàn quận; ghi nhận những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai PLRTN tại các phường và phản hồi kịp thời đến UBND quận để tìm hướng khắc phục, xử lý. Kiện toàn, bổ sung lực lượng trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, đảm bảo về số lượng tiêu chuẩn thực hiện; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn cho cán bộ quản lý môi trường tại 14 phường. Tuyên truyền các văn bản pháp luật về phân loại chất thải rắn tại nguồn; các văn bản chủ trương, kế hoạch tổng thể triển khai chương trình PLRTN của UBND TPHCM đến tất cả người dân, cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa của việc PLRTN; trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân và chủ nguồn thải tham gia thực hiện PLRTN ở địa phương nhằm nâng cao nhận thức, từng bước hình thành thói quen của người dân, chủ nguồn thải, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Tương tự, UBND quận 9 cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc thực hiện PLRTN. Theo đó, quận đã và đang triển khai các giải pháp như tập trung tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc PLRTN đến từng hộ gia đình trên địa bàn quận; triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cả với đối tượng ngoài hộ gia đình (cơ quan, trường học, trung tâm thương mại, siêu thị, bệnh viện, khu vui chơi, công viên, chung cư, khu dân cư mới, chợ) và đối tượng hộ gia đình. Song song đó, quận sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt tại các phường Phước Long A, Phước Long B và Phú Hữu. Tiếp tục tuyên truyền thông tin đến người dân 9 phường còn lại để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chương trình đồng loạt trong năm 2019. Cùng hướng phát triển này, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cũng cho biết để thực hiện tốt công tác PLRTN, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về PLRTN; văn bản, chủ trương, kế hoạch của UBND TPHCM; tuyên truyền mục tiêu ý nghĩa, lợi ích của việc PLRTN; kịp thời, biểu dương, khen thưởng những tổ chức cá nhân, khu phố... thực hiện tốt PLRTN. Đồng thời nhân rộng mô hình triển khai hiệu quả và cách làm hay.
Rác thải được phân loại tại nguồn ở quận Tân Phú. Ảnh: CAO THĂNG
Lãnh đạo địa phương phải quyết tâm Nhiều ý kiến của quận huyện cho rằng, cái khó nhất trong công tác thực hiện PLRTN ở địa phương chính là ý thức của người dân còn hạn chế; mặt khác, các đơn vị thu gom, vận chuyển rác, nhất là lực lượng thu gom rác dân lập chưa đáp ứng được nhu cầu, chất lượng thu gom còn kém, không đảm bảo vệ sinh môi trường nên đã gây ra những bức xúc cho người dân. Do vậy, ngoài việc nâng cao ý thức người dân trong phân loại rác thải trên địa bàn khu dân cư, thành phố cần tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống phân loại rác cũng như hệ thống xử lý rác một cách hiệu quả. Các quận huyện cũng kiến nghị thành phố cần hỗ trợ thiết thực hơn cho địa phương. Cụ thể như UBND TP hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập, hợp tác xã, bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn chuyển đổi phương tiện; sớm ban hành quy định về quản lý các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, thừa nhận, chương trình PLRTN hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, từ việc nâng cao ý thức của người dân đến công tác quản lý thu gom và vận chuyển rác thải. Từ trước đến nay, chương trình chỉ dừng lại ở việc triển khai thí điểm. Từ năm 2018, thành phố mới quyết liệt, quyết tâm thực hiện việc PLRTN. Theo đó, lãnh đạo TPHCM đã thực hiện phân cấp cho các quận huyện tự lên kế hoạch, đấu thầu việc PLRTN phù hợp vói tình hình thực tế của từng địa phương. Để có thể thực hiện thành công chương trình này, lãnh đạo các quận huyện phải thực sự quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện, nắm bắt địa phương mình đang gặp khó khăn ở phân khúc nào, rồi báo cáo về sở để cùng nhau tìm hướng giải quyết. Không vì thấy khó mà không làm. Cũng theo bà Mỹ, chương trình PLRTN của TPHCM nếu thực hiện thành công sẽ tái chế được 60% tổng lượng rác thải. Điều này giúp làm giảm đáng kể áp lực về diện tích đất để chôn lấp, giảm ngân sách chi phí cho khâu xử lý rác thải; đồng thời, giảm nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường do các bãi chôn lấp rác thải gây ra. Từ thực tế cho thấy, chương trình chỉ có thể thành công nếu có sự tham gia của cộng đồng dân cư, đặc biệt là ý thức tự giác của người dân.