Ngày 3-3, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức triển khai công tác tuyển sinh đại học năm 2023.
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, công tác tuyển sinh năm 2022 về cơ bản được giữ ổn định như năm 2021 và các năm gần đây, đồng thời có một số điều chỉnh kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và cơ sở đào tạo (CSĐT). Tỷ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các CSĐT tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố. Năm 2022, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263 đạt 83,39%, thấp hơn số nhập học của năm 2021, 2020. Trong số 330 CSĐT, có 194 CSĐT (58,8%) có tỷ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.
Báo cáo cho thấy, tỷ lệ tuyển sinh giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch khá lớn, trong đó nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất, 24,54%; máy tính và công nghệ thông tin đứng thứ 2 với 11,79%; công nghệ kỹ thuật 9,18%; nhân văn 8,68%; sức khỏe 6,35%; sư phạm 5,09%... Trong khi đó, những nhóm ngành như khoa học tự nhiên chỉ chiếm 0,44%; toán và thống kê 0,40%.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng thể hiện tỷ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo các phương thức xét tuyển, theo đó xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm đa số, với 47,98%; xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ) 37,18%; xét tuyển thẳng 0,25%; xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo Đề án và các phương thức khác 0,78%; thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do CSĐT tự tổ chức để xét tuyển 1,31%; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển 0,65%; kết hợp kết quả học tập THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển 0,5%…
Về hạn chế của tuyển sinh năm 2022, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, một số CSĐT đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học, ví dụ như phương thức kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển chỉ chiếm 0,5%. Thống kê cho thấy, có 200 lượt phương thức xét tuyển không có thí sinh nhập học; trên 100 lượt phương thức xét tuyển dưới 10%.
Bà Thủy cho rằng, nhiều phương thức xét tuyển gây nhiễu loạn và không hiệu quả đối với cả thí sinh lẫn các trường. Vẫn còn tình trạng thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển, gặp một số khó khăn trong truy nhập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến, giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội…
Do đó, Bộ GD-ĐT cho rằng, các trường cần chủ động đánh giá hiệu quả các phương thức xét tuyển, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển, từ đó loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả, giải trình minh bạch cho xã hội. “Xã hội có dư luận các trường sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển gây bất bình đẳng, nhưng thực tế tỷ lệ thí sinh trúng tuyển bằng phương thức này rất thấp”, bà Thủy cho biết.
Đáng chú ý, về công tác tuyển sinh của một số ngành, lĩnh vực và CSĐT, báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy có nhiều bất hợp lý. Phần lớn CSĐT đã tuyển được số lượng đạt tỷ lệ cao so với chỉ tiêu, bên cạnh đó cũng có một số CSĐT tuyển sinh khó khăn, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo.
Cụ thể, số CSĐT tuyển kém là 64/330 tổng số ngành; số ngành tuyển kém/tổng số ngành là 94/440. Trong 3 năm liền, bốn lĩnh vực: nông lâm nghiệp và thủy sản; khoa học sự sống; khoa học tự nhiên; dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Cụ thể, nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ tuyển sinh đạt 49,10%; khoa học sự sống 57,92%; khoa học tự nhiên 59,43%; dịch vụ xã hội 61,36%.
Bộ GD-ĐT cho rằng, các CSĐT tuyển kém chủ yếu do một số nguyên nhân: chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Mức độ cạnh tranh giữa các trường đại học cũng như giữa các ngành ngày càng gia tăng. Đây là vấn đề mà các trường cũng như cơ quan quản lý nhà nước phải nhận diện, có giải pháp điều chỉnh để bảo đảm cân đối, nhu cầu nhân lực.
"Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải thực hiện nghiêm việc báo cáo lên hệ thống chung; không gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống làm mất cơ hội khác của thí sinh; không được tuyển sinh vượt chỉ tiêu… Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm", Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết.
Các trường ĐH cần tập trung điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo để thu hút thí sinh, đây là giải pháp đường dài để tạo niềm tin cho người học, cho xã hội. Loại bỏ những ngành đào tạo yếu, không còn phù hợp với thị trường; tăng cường tính minh bạch trong công tác tuyển sinh.