Liên quan đến sản phẩm kít thử chẩn đoán SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu phát triển được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sản xuất đại trà, ngày 17-3, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc cho biết, kết quả này là đóng góp lớn của các nhà khoa học Việt Nam, kịp thời cho công tác chống dịch. Đơn vị sản xuất đủ nguyên liệu cho 180.000 test (1 bộ có 50 test thử) và đang nhập nguyên liệu để sản xuất thêm 120.000 test...
Hiện đã có 20 quốc gia đàm phán mua bộ sinh phẩm này. Trước mắt, bộ kít thử SARS-CoV-2 sẽ xuất sang Iran, Phần Lan, Malaysia, Ukraine. TP Hà Nội cũng đặt 200.000 test để sử dụng cho nhu cầu của Hà Nội và xuất khẩu tặng Italy. Hiện nhóm nghiên cứu đang tập huấn kỹ thuật xét nghiệm tại nhiều cơ sở y tế ở Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội...
Ưu tiên nghiên cứu, sản xuất robot để hỗ trợ bác sĩ, y tá
Cùng ngày, Bộ KH-CN có cuộc họp với các nhà khoa học, chuyên gia y tế bàn giải pháp hỗ trợ từ góc độ khoa học hỗ trợ phòng chống Covid-19.
GS-TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đề xuất sản xuất robot khử khuẩn trong buồng cách ly, lau rửa bề mặt, chống lây nhiễm chéo và hỗ trợ quá trình khám chữa bệnh để giảm tải các y, bác sĩ.
GS-TS Lê Bách Quang, Ban Chủ nhiệm Chương trình KH-CN quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cho rằng, cần gấp rút nghiên cứu, chế tạo robot; nghiên cứu sản xuất kháng thể phục vụ điều trị Covid-19; chủ động máy thở, mở rộng số phòng thí nghiệm được xét nghiệm Covid-19. Theo TS Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục KH-CN và đào tạo Bộ Y tế, cần ưu tiên phát triển robot dọn dẹp, robot đưa cơm, chăm sóc bệnh nhân...