Ở giữa 2 trạm bảo vệ rừng, hàng chục cây gỗ khổng lồ bị đốn hạ, trong đó nhiều cây có đường kính cả mét nhưng chưa thấy dấu vết kiểm tra hay đánh số của cơ quan chức năng. Dây cáp, móc xích mà lâm tặc dùng để kéo gỗ vẫn còn ở hiện trường, nghi lâm tặc để lại, chờ có cơ hội là vào khai thác, kéo gỗ đi tiêu thụ.
Người dân huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum phản ánh, lâm tặc ngang nhiên mở đường vào khu rừng ở xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy cưa hạ gỗ cổ thụ có đường kính cả mét.
Điều họ bức xúc là tại khu vực rừng bị phá, ở 2 đầu đều có 2 trạm bảo vệ rừng đóng chốt nhưng không hiểu sao lâm tặc vẫn ngang nhiên phá rừng cổ thụ.
Chốt bảo vệ rừng đóng ở cầu Sê San 3, xã Ya Tăng, giáp ranh với huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai
Ghi nhận thực tế, Trạm Bảo vệ rừng Sê San 3 (đóng tại cầu Sê San 3, xã Ya Tăng, giáp với huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai, thuộc Lâm trường Sa Thầy, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy) nối với Trạm Bảo vệ rừng Ya Tăng (xã Ia Tăng, Lâm trường Sa Thầy) bằng con đường nhựa độc đạo có chiều dài khoảng 16km.
Khi di chuyển từ Trạm Bảo vệ rừng Sê San 3 khoảng 11km về Trạm Bảo vệ rừng Ia Tăng, chúng tôi phát hiện có nhiều điểm lâm tặc khai thác gỗ trái phép.
Một phần cây gỗ bị đốn hạ nhưng lâm tặc chưa kịp xẻ
Cụ thể, điểm thứ nhất là con đường mòn dẫn từ đường vào rừng, bên trên in hằn dấu bánh xe máy cày. Ở vị trí này có hàng chục cây gỗ cổ thụ khổng lồ đã bị đốn hạ nhưng bên trên gốc và lóng không hề có dấu vết hay đánh số kiểm tra của cơ quan chức năng. Trong đó, phần lớn các cây gỗ có đường kính khoảng 1m đã bị cắt khúc chở đi, chỉ còn trơ gốc.
Một số cây còn lại thì lâm tặc cưa xong rồi để nguyên thân cây, hoặc xẻ thành lóng nhưng chưa kịp chở đi.
Tại hiện trường còn có rất nhiều dây cáp và móc xích dùng để kéo, vận chuyển gỗ, nghi lâm tặc để lại chờ có cơ hội là tiếp tục khai thác, kéo gỗ đi tiêu thụ.
Điểm phá rừng khác nằm cách điểm trên khoảng 1km, ước tính có 5 cây gỗ bị đốn hạ. Ngoài ra, rải rác ở một số đường xương cá, cũng có những cây gỗ bị cưa hạ nằm giữa rừng.
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận được:
Một gốc cây bị cưa hạ
Một phần cây gỗ mà lâm tặc chê, vứt lại
Một gốc cây gỗ khác
Thêm một gốc cây khác nữa
Một cây gỗ quý bị cưa hạ
Gốc gỗ còn mới, không có dấu kiểm tra của cơ quan chức năng
Một gốc cây gỗ bị đốn hạ, bên trên không có đánh dấu kiểm tra