Chiều 20-4, nhân Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam, Học viện Chính trị khu vực II tổ chức vòng chung kết hội thi thuyết trình “Quyển sách tôi yêu”.
Hội thi với sự tham gia của 10 thí sinh đại diện khối cơ quan và khối học viên cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung. Các thí sinh được chia thành 2 bảng: bảng A gồm 5 thí sinh là cán bộ, viên chức, người lao động tại học viện; bảng B gồm 5 thí sinh là học viên cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung.
Phát biểu khai mạc hội thi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II Nguyễn Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, trong dòng chảy của lịch sử văn minh nhân loại, ở nhiều nước đã xuất hiện thư viện và tổ chức đọc sách, báo cho các tầng lớp nhân dân. Đánh giá cao tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris năm 1995, UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23 - 4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới”.
Hưởng ứng chủ trương của UNESCO, đồng thời để khẳng định những giá trị to lớn của sách báo, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21 - 4 hàng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Nhằm hưởng ứng tinh thần trên, Học viện Chính trị khu vực II tổ chức hội thi thuyết trình sách với chủ đề “Quyển sách tôi yêu”, mong muốn tạo sân chơi thú vị, tạo điều kiện tốt nhất giúp bạn đọc nâng cao nguồn tri thức phục vụ học tập bồi dưỡng, trau dồi kiến thức, kỹ năng của mình.
Tại hội thi, các thí sinh đã lựa chọn nhiều cuốn sách hay, ý nghĩa của tác giả trong và ngoài nước để giới thiệu đến các đại biểu. Trong đó, có các cuốn sách như “Học Bác để làm người” của tác giả PGS Trần Đình Huỳnh; sách “Việt Nam thời chuyển đổi số” của nhóm Think Tank Vinasa; sách “Chiến thắng bằng mọi giá” của tác giả Cecil B.Currey viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đó còn là bộ sách “Toàn Đảng toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” và “Đoàn kết, vững tin đưa đất nước bước vào giai đoạn mới”; hay sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một trong những cuốn sách được nhiều thí sinh lựa chọn và có lối thuyết trình ấn tượng là sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.
Kết quả chung cuộc, giải nhất cuộc thi thuộc về thí sinh Nguyễn Hữu Hoàng (bảng A) với phần thuyết trình về cuốn sách “Việt Nam thời chuyển đổi số” và thí sinh Phan Thị Thanh Nhàn (bảng B) với phần thuyết trình về cuốn sách “Chiến thắng bằng mọi giá”.
Ban Tổ chức cũng trao 2 giải nhì, 2 giải ba và 4 giải khuyến khích cho các thí sinh. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao giải cho tập thể có nhiều thí sinh tham gia hội thi; giải video có nhiều lượt xem nhất trên mạng xã hội.