Ngày 19-6, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tại dự thảo Luật Đường bộ dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua ngày 26-6 tới đây, quy định thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác đã được bổ sung.
Hiện Cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng dự thảo các nghị định, thông tư hướng dẫn để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tránh khoảng trống pháp lý khi luật có hiệu lực.
Theo dự thảo Luật Đường bộ, Chính phủ sẽ quyết định thời điểm và các tuyến cao tốc đủ điều kiện thu phí. Hệ thống giao thông thông minh (ITS), trong đó có hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ được đầu tư đồng bộ với quá trình xây dựng đường cao tốc.
Cục Đường bộ Việt Nam đang xem xét 2 phương án thu phí. Phương án thứ nhất là Cục Đường bộ Việt Nam tự tổ chức thu, bằng cách đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng. Phương án này có nhược điểm là hình thức thu phí "nhặt dần", sau khi trừ đi chi phí tổ chức thu thì nộp ngân sách nhà nước.
Phương án thứ hai là đấu thầu quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Nhà đầu tư sẽ đứng ra thu phí và quản lý bảo trì tuyến đường. Nhà nước bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định, thu ngay được một khoản tiền. Phương án này có nhiều ưu điểm nhưng không hấp dẫn nhà đầu tư ở những tuyến có lưu lượng phương tiện thấp.
Về mức phí, Cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu các kịch bản, tính toán đảm bảo cân bằng giữa dịch vụ cung cấp đến người sử dụng và mức thu, tránh tác động quá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và chi phí logistics.