Theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 (Nghị quyết 01) mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trình bày, Chính phủ xác định năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử HĐND các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, và các kế hoạch theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài. Do đó, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là "đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển" và đề ra 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành.
Trong 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành của năm 2021, trước tiên là chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thứ hai, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ các chính sách vĩ mô để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Theo dõi sát diễn biến, tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh.
Bên cạnh đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Đổi mới quản trị quốc gia. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
Nghị quyết 01 đề ra 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể, trong đó tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vaccine và có giải pháp để người dân tiếp cận vaccine phòng dịch Covid-19 sớm nhất. Kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, xem xét mở lại các đường bay thương mại quốc tế khi điều kiện cho phép. Chủ động bố trí nguồn lực, triển khai kịp thời, phù hợp các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng của đất nước.
Trong khi đó, Dự thảo Nghị quyết 02 của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trình bày cũng nêu rõ, với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng 34 bậc, từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020. Đây là bộ chỉ số được Liên hiệp quốc xây dựng, đánh giá dựa trên các tiêu chí bám sát 17 nhóm mục tiêu phát triển bền vững (với 169 mục tiêu cụ thể). Cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng ghi nhận rất tích cực những kết quả, tiến bộ trong thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng, đáng khích lệ đó, vẫn còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà điểm tuyệt đối và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp và hầu như không được cải thiện về thứ bậc như: giải quyết phá sản doanh nghiệp đứng thứ 122; rào cản phi thuế quan đứng thứ 121; bảo vệ hệ sinh thái bền vững đứng thứ 110; đăng ký tài sản thứ 106; bảo vệ sở hữu trí tuệ thứ 105; kết nối hạ tầng đường bộ thứ 104; nộp thuế và bảo hiểm dù đã tăng tới 59 bậc nhưng vẫn đứng thứ 109…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thực tế những năm qua cho thấy, bộ ngành nào chủ động, quyết tâm thì các chỉ số được cải thiện rõ ràng hơn và ngược lại.
Nghị quyết 02/2021 được xây dựng ngắn gọn hơn rất nhiều so với các Nghị quyết trước đây, khẳng định tiếp tục thực hiện đồng bộ tất cả các mục tiêu giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 02/CP năm 2019 và 2020; đồng thời đặt trọng tâm vào một số nhóm chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể cần tập trung cao độ để chỉ đạo thực hiện, nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh tới các tiêu chí khác.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh 4 bốn nội dung trọng tâm trong chỉ đạo thực hiện, trong đó tập trung chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; phấn đầu giữ vững và cải thiện thứ hạng phát triển bền vững; đồng thời phát triển nhanh cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững (hiện mới có 2.000 doanh nghiệp trong tổng số hơn 700.000 doanh nghiệp). Đặc biệt, tiếp tục chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Nghị quyết 01, 02 sẽ được Chính phủ ban hành sớm để các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2021.