Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, tham gia HĐBA LHQ là mục tiêu phấn đấu của nhiều nước bởi đây là cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cơ quan duy nhất có quyền hạn đặc biệt đưa ra các quyết định có tính ràng buộc pháp lý với 193 quốc gia trên thế giới. Đồng thời, thể hiện uy tín của một đất nước trên trường quốc tế. Đây cũng là cơ hội lớn để đẩy mạnh và nâng tầm của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, góp phần duy trì môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới; cơ hội để khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, thể hiện hình ảnh một Việt Nam mới, chuyển mình mạnh mẽ từ một nước nhiều năm phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trở thành đối tác sẵn sàng tham gia tích cực, có trách nhiệm để giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Khẳng định những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ Việt Nam tham gia HĐBA LHQ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lãnh đạo cấp cao nhiều nước trong và ngoài HĐBA đánh giá cao lập trường nguyên tắc, ứng xử có trách nhiệm, “có tình có lý” của Việt Nam tại HĐBA LHQ. Điều này góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các nước trong và ngoài HĐBA, nhất là các nước lớn, đối tác quan trọng, các nước bạn bè, các tổ chức quốc tế và khu vực, đem lại nhiều nguồn lực hỗ trợ quý báu cho đất nước thời gian qua, trong đó có hỗ trợ quốc tế ứng phó với đại dịch. Việt Nam cũng có các sáng kiến rất thiết thực, đúng và trúng mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng là các vấn đề quan trọng đối với lợi ích của nước ta. “Trong hơn 200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 mà Việt Nam đã có, khoảng một nửa được mua, nửa còn lại là từ nguồn viện trợ”, Thủ tướng dẫn chứng.
Nêu rõ một số bài học lớn sau 2 năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh quốc tế, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược gay gắt, thuận lợi và thách thức đan xen, ngành ngoại giao cần tiếp tục vai trò tiên phong, đi trước mở đường giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước trong tình hình mới.
Thủ tướng đề nghị tận dụng hiệu quả vị thế, uy tín đất nước đã có, tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ song phương với các nước, các tổ chức quốc tế; tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, công nghệ với các nước, nhất là các nước lớn trong bối cảnh Covid-19 cũng như nhìn xa hơn trong giai đoạn ổn định ngay sau đại dịch. Các hoạt động đối ngoại cần được triển khai trên cơ sở “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe, hợp tác, hiệu quả và cùng phát triển”, tạo cơ sở tranh thủ nguồn lực quốc tế, góp phần thực hiện khát vọng phát triển bền vững đất nước. Trước mắt ưu tiên cho việc tiếp cận, triển khai chiến lược vaccine và thuốc đặc trị, tư vấn chính sách và hỗ trợ phục hồi sau đại dịch, triển khai ngoại giao khí hậu, ngoại giao y tế, ngoại giao năng lượng, ngoại giao số.