2 đột phá để giáo dục nghề nghiệp bắt kịp trình độ của thế giới
SGGPO
Ngày 17-6, tại TPHCM, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB-XH tổ chức Hội nghị Triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045. Dự hội nghị có lãnh đạo Tổng cục; đại diện Sở LĐTB-XH, các cơ sơ giáo dục nghề nghiệp thuộc khu vực Đông Nam bộ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, hiện GDNN đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số, xã hội số, tận dụng công nghệ số để thay đổi hệ thống GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp yêu cầu phát triển xã hội.
Do đó, GDNN không nhanh chóng tận dụng cơ hội này để thay đổi, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một nước phát triển, sẽ bỏ lỡ cơ hội.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình phát biểu tại hội nghị
Đồng thời ông Phạm Vũ Quốc Bình khẳng định, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045 là kết quả của quá trình làm việc miệt mài, sản phẩm trí tuệ tập thể, được lấy ý kiến rộng rãi, do vậy chiến lược vừa có tính lý luận, thực tiễn, vừa có tính cụ thể, tổng quát.
Đại diện Sở LĐTB-XH TPHCM và một số tỉnh thành miền Đông Nam bộ; các cơ sở GDNN, doanh nghiệp có tham gia hoạt động GDNN cũng đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm, chính sách đang triển khai tại địa phương trong lĩnh vực GDNN; khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, phân luồng, tổ chức đào tạo trực tuyến, chuyển đổi số…
Việc tổ chức thực hiện các Tiểu dự án về GDNN trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm chia sẻ những thuận lợi, khó khăn của GDNN TPHCM trong định hướng phát triển thời gian tới
Trước đó, đại diện Tổng cục GDNN đã triển khai, phổ biến những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Để đạt được những mục tiêu chiến lược, cần thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu, trong đó, 2 giải pháp đột phá được xác định tại chiến lược là “Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo” và “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong hoạt động GDNN”.
Có thể thấy, trong bối cảnh mới, các thách thức và cơ hội, những mặt tích cực và tiêu cực đan xen, đòi hỏi hệ thống GDNN ngày càng phải chủ động, sáng tạo, khai thác tận dụng thời cơ, đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, nhận diện rõ các xu hướng, xác định đúng quan điểm định hướng và mục tiêu phát triển.
Cùng với việc triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ LĐTB-XH cũng đang tích cực triển khai các dự án, tiểu dự án trong lĩnh vực GDNN thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là một nguồn lực lớn và quan trọng để triển khai chiến lược.