Ngày 28-5, PGS.TS.BS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chỉ trong vòng một tuần, các bác sĩ của bệnh viện đã tiếp cấp cứu 2 bệnh nhi bị chó dại cắn nhưng đáng tiếc là cả 2 cháu bé đều không thể cứu sống được.
Theo đó, bệnh nhi đầu tiên là một cháu bé 12 tuổi (dân tộc Mường, sống tại Hòa Bình) tử vong sau một tuần vào viện điều trị và trường hợp thứ hai là một cháu bé 9 tuổi (dân tộc Mông, Lạng Sơn) tử vong chỉ sau nửa ngày nhập viện.
“Cả 2 cháu bé này đều ở giai đoạn rõ rệt của bệnh dại, bị kích thích tinh thần, hoảng hốt, sợ nước, sợ gió rất rõ. Dù được các bác sĩ tích cực hỗ trợ nhưng cả 2 cháu đều tử vong”, bác sĩ Huy cho biết.
Đáng chú ý, qua khai thác tiền sử của 2 bệnh nhi tử vong nêu trên thì gia đình cả 2 cháu đều không biết con mình bị chó cắn.
Riêng với gia đình cháu bé 12 tuổi ở Hòa Bình, bị chó cắn, sau đó 13 ngày con chó chết, khi trẻ có biểu hiện bất thường, cha mẹ mới đưa con đến cơ sở y tế.
Còn trường hợp cháu bé 9 tuổi ở Lạng Sơn, gia đình có nuôi chó mẹ và đàn chó con. Khi chó mẹ có biểu hiện ốm, gia đình bán đi và giữ đàn chó con tiếp tục chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc chó, cháu bé bị một con chó con gặm vào tay nhưng cũng không nói lại với gia đình.
Theo các bác sĩ, người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%. Tuy nhiên bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine kịp thời và đầy đủ.
Do đó, để ngăn ngừa bệnh dại trên người, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo người bị động vật cắn cần được tiêm vaccine điều trị dự phòng bệnh dại.
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại. Các trường hợp tử vong do không đi tiêm phòng vaccine và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.