Bệnh nhi đầu tiên là bé trai 4 tuổi (ở Thanh Hóa) bị teo mật bẩm sinh, xơ gan, nguy cơ tử vong cao. Ca ghép gan cho bệnh nhi hoàn thành sau 12 giờ với một phần gan ghép từ người cho là bà nội bệnh nhi.
Bệnh nhân thứ hai là bé trai 15 tuổi (ở Hà Nội) mắc bệnh Wilson - bệnh rối loạn chuyển hóa đồng do đột biến gen - đã điều trị 5 năm, bị xơ gan giai đoạn cuối, nguy cơ tử vong cao. Qua sàng lọc từ những người thân hiến tạng tự nguyện, người chú họ (31 tuổi) đáp ứng các tiêu chuẩn và đã tình nguyện hiến một phần gan phải để nối dài sự sống cho cháu mình.
TS Phạm Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật nội soi nhi khoa, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, cho biết Bệnh viện Nhi Trung ương là một trong những bệnh viện đầu tiên tiến hành ghép gan cho trẻ nhỏ. Đây là kỹ thuật cao, cần sự vận hành đồng bộ nhiều chuyên khoa cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên gia. Sau ghép gan, cơ hội kéo dài sự sống sau 5 năm là 80% - 90%.