90% người bệnh từ địa phương khác
90% người mắc bệnh sởi được chuyển đến từ tỉnh, thành phố khác là thực trạng tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Nơi đây có thể xem là “điểm nóng” từ đầu mùa dịch sởi, khi phải căng mình tiếp nhận rất đông ca bệnh của TPHCM và các địa phương, với nhiều ca biến chứng nặng. Hiện mỗi ngày, Khoa Nhiễm - Thần kinh điều trị nội trú trên 70 người mắc bệnh sởi. Các bác sĩ phải tăng cường khám vào cuối tuần, cho xuất viện những ca đủ điều kiện theo dõi tại nhà, nhường chỗ để đón ca bệnh mới. “Nếu không cho trẻ xuất viện và tăng cường điều trị ngoại trú, bệnh nội trú sẽ bị dồn ứ nặng nề. Trong khi trẻ em TPHCM đã tiêm vaccine phòng bệnh gần 2 tháng qua, nhiều bệnh nhi ở tỉnh không được chủng ngừa”, BS Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, lo lắng.
Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhi mắc bệnh sởi đều cần điều trị ở tuyến cuối. Nhiều trường hợp chuyển đến TPHCM vì phụ huynh quá lo lắng, vô tình gây ra quá tải và tăng nguy cơ lây lan. Đó cũng là lo ngại của nhiều chuyên gia dịch tễ, khi TPHCM đang chịu gánh nặng của bệnh sởi trong khi y tế địa phương hoàn toàn có thể điều trị được.
Theo BS Lương Chấn Quang, Trưởng Khoa Kiểm soát phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM, bệnh sởi ở 19 tỉnh, thành phía Nam đang gia tăng nhanh, tập trung vào nhóm trẻ em 1-10 tuổi. Hơn 50% số ca bệnh điều trị tại TPHCM đã gây ra áp lực cho thành phố. Điều này là nguồn tác nhân gây bệnh, khiến tỷ lệ ca mắc sởi tại TPHCM duy trì ở mức ngang, không giảm nhanh như kỳ vọng dù TPHCM tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi từ sớm. Ông cho rằng, muốn giảm nhanh ca sởi, TPHCM phải là vùng an toàn - tỷ lệ miễn dịch trẻ em phải cao. Trong tháng 10, các tỉnh, thành phố phía Nam đã lần lượt tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ nhỏ trên địa bàn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Đạt 100% tỷ lệ tiêm chủng nhưng vẫn còn ca mắc sởi
Đến thời điểm này, TPHCM đã hoàn thành 100% kế hoạch của chiến dịch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi với 223.978 mũi tiêm. Dù vậy, số ca bệnh sởi trong những tuần gần đây đều trên 100 trường hợp/tuần. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 1.308 ca. Huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP Thủ Đức có số ca mắc cao.
Về nguyên nhân, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, lý giải, việc rà soát lập danh sách trẻ em trong độ tuổi 1-10 ở các quận, huyện chưa đầy đủ, nhất là với nhóm trẻ di biến động dân cư theo bố mẹ lên TPHCM làm việc. Nhiều trường hợp chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine nên dễ dàng bị nhiễm bệnh. Dù vậy, TPHCM không còn nguy cơ bùng phát dịch sởi nhờ chiến dịch tiêm chủng kịp thời. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho thấy, khoảng 23% người bệnh dưới 9 tháng tuổi - chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi theo lịch tiêm chủng mở rộng; 18% người bệnh trên 10 tuổi - nằm ngoài đối tượng của chiến dịch tiêm chủng. Để chấm dứt dịch sởi, các quận, huyện tiếp tục rà soát, cập nhật thông tin trẻ em trên địa bàn và mời tiêm chủng. Sở Y tế TPHCM đã gửi văn bản đến các cơ quan có thẩm quyền về việc mở rộng đối tượng tiêm vaccine phòng sởi.
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, phân tích, nếu các tỉnh, thành phố không nhanh chóng tiêm vaccine sởi cho trẻ em hoặc tiêm với tốc độ chậm, người bệnh sẽ vẫn đổ về TPHCM, tiếp tục lây lan cho nhóm dưới tuổi tiêm chủng và trẻ chưa có miễn dịch. Sau khi tiêm, trẻ cần ít nhất 2 tuần tạo miễn dịch phòng bệnh nên không thể chủ quan, lơ là. Một số bệnh viện địa phương thực hiện cách ly chưa tốt khiến phụ huynh không tin tưởng, phải đưa con lên TPHCM. Bên cạnh đó, ở các tỉnh lân cận, sởi đang lây lan mạnh cho trẻ em sống ở khu nhà trọ công nhân, còn phụ huynh không được tuyên truyền về bệnh. “Bài học quan trọng trong dịch sởi lần này là phải quyết liệt tổ chức tiêm vaccine đồng bộ, các tỉnh đều phải tham gia, tìm nguồn lực vaccine và tiêm chủng thật nhanh. Theo tôi, khâu đưa vaccine vào một chương trình quốc gia và đưa đến đối tượng tiêm chủng đang rất chậm vì nhiều thủ tục, quy định”, BS Trương Hữu Khanh nêu ý kiến.
Tối 29-10, Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế đang ghi nhận số ca mắc sởi mới gia tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng tuổi, đặc biệt là nhóm từ 6 đến 9 tháng tuổi.
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), từ đầu vụ dịch đến nay, số bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi mắc sởi là 315 trẻ (chiếm tỷ lệ 24% tổng số ca mắc), tại các bệnh viện có 146 ca sởi cần hỗ trợ hô hấp, trong đó có 53 trẻ dưới 9 tháng tuổi (chiếm 36,3%). Trước diễn biến gia tăng số ca sởi mới trong nhóm dưới 9 tháng tuổi, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản kiến nghị với Bộ Y tế về việc tiêm vaccine sởi cho trẻ ở độ tuổi này; đồng thời vận động các bà mẹ có con dưới 6 tháng tuổi và người thân trong gia đình cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh sởi để bảo vệ cho trẻ khi trẻ chưa đủ tuổi được tiêm chủng.
Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện tại TPHCM đã điều trị cho 3.139 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó 58% trường hợp đến từ các tỉnh, 1 trường hợp tử vong.
THÀNH SƠN