Theo đó, hội thi lần này thu hút 216 cơ sở dạy nghề từ 58 tỉnh, thành trong cả nước tham dự thi với 393 thiết bị. Ban tổ chức chấm và trao 30 giải nhất, 45 giải nhì và 75 giải 3 cho các thiết bị thuộc các chuyên ngành khác nhau. Những tác giả đạt giải, ngoài giải thưởng còn được tặng Bằng khen của Bộ LĐ-TB- XH.
Tại buổi họp báo, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Trưởng ban tổ chức hội thi cho biết, nhờ sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng chất lượng đào tạo phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, công nghiệp nước ta; nhu cầu thị trường lao động đang hút nguồn lao động kỹ thuật có tay nghề cao nên hệ thống các trường dạy nghề trên toàn quốc khởi sắc. Bên cạnh đó, các trường cao đẳng nghề đã thay phương thức đào tạo với 70% thực hành và 30% lý thuyết. Học lý thuyết phải song song với thực hành. Sinh viên mới vào học năm nhất, nhà trường đã cho xuống xưởng và doanh nghiệp thực hành ngay.
Nhiều nhà trường đã ký kết hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên vừa học ở trường vừa học ở doanh nghiệp. Người của nhà trường thường xuyên đến các doanh nghiệp xem xét những thay đổi máy móc, chuỗi sản xuất, khảo sát công nghệ để người học dễ dàng tham gia vào bộ máy sản xuất... Qua đó, chất lượng đào tạo của giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng lên, thể hiện thông qua việc Việt Nam 3 lần đạt giải nhất toàn đoàn trong tổng số 8 lần tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN.
Các trường chất lượng cao đang triển khai nhiều chương trình đào tạo được chuyển giao từ các nước phát triển như Úc, Đức, Pháp, Hàn Quốc… với cơ sở vật chất, thiết bị đầy đủ, hiện đại; người học được học bằng tiếng Anh, tốt nghiệp được cấp bằng quốc tế để có thể tham gia vào các thị trường lao động nước ngoài. Hiệu trưởng 18 trường dạy nghề cam kết giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Nếu sinh viên không có việc làm, trường sẽ hoàn trả học phí hoặc đào tạo bổ sung đến khi sinh viên tìm được việc làm.
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ học phí đối với người học nghề. Ngoài con em gia đình có công cách mạng, học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp... thì người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh cũng được miễn giảm học phí... Hiện các trường nghề tuyển sinh đạt hơn 60% chỉ tiêu, trong đó nhiều trường đạt 100% chỉ tiêu.