17 giờ ngày 30-7, thí sinh phải hoàn tất việc đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học

Ngày 29-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024.

Cuộc họp Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024
Cuộc họp Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, về cơ bản, công tác tuyển sinh năm 2024 không thay đổi. Hệ thống ổn định, các thắc mắc của thí sinh, phụ huynh được giải thích và hướng dẫn kịp thời. Bộ GD-ĐT tiếp tục tăng cường một số giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, đồng thời hỗ trợ các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, từ đó, giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn cho thí sinh.

Bộ GD-ĐT khuyến cáo cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ các phương thức gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho xã hội. Mặt khác, hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 (trong tháng 8).

Phát biểu tại phiên họp, PGS-TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tuyển sinh phải thực chất, chứ không chỉ là tuyển đủ chỉ tiêu hay tuyển được những thí sinh điểm cao, vì vậy, cần lựa chọn hình thức xét tuyển bảo đảm phù hợp và chất lượng.

17 giờ ngày 30-7 là hết thời hạn thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Hà Nội yêu cầu đến giáo viên chủ nhiệm, bám sát các mốc thời gian để đôn đốc, nhắc nhắc học trò của mình trên các nhóm Zalo.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, công tác tuyển sinh trong những năm gần đây cơ bản ổn định, thân thiện, tạo thuận lợi cho thí sinh. Quy trình tuyển sinh ngày càng đơn giản, công khai, minh bạch, đi vào nền nếp và được ứng dụng trực tuyến. Riêng với năm 2024, đến thời điểm này, các quy trình về tuyển sinh diễn ra thuận lợi, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT hoạt động trơn tru.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, hết năm 2024 là chu kỳ 10 năm, trong đó có nhiều điểm mới được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Công tác tuyển sinh ngày càng thuận tiện, đánh giá được năng lực của thí sinh.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh đã giảm phiền hà cho thí sinh và cơ sở đào tạo; trên hết là tạo công bằng, minh bạch. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh có thể coi là hình mẫu trong chuyển đổi số, tích hợp nhiều dữ liệu liên quan, lấy lợi ích của người học là hàng đầu.

Thứ trưởng yêu cầu làm thật tốt công tác tuyển sinh năm 2024. Về việc có nhiều phương thức tuyển sinh, xét tuyển sớm, Thứ trưởng lưu ý cần thống nhất để nghiên cứu, điều chỉnh quy chế tuyển sinh theo hướng tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học nhưng đặt lợi ích của người học lên hàng đầu, trên nguyên tắc: công bằng, khách quan, tin cậy, minh bạch, bình đẳng và phù hợp với yêu cầu ngành nghề theo đặc trưng của các trường. Mặt khác, cần suy nghĩ thấu đáo, tìm hiểu nguyên nhân vì sao các trường lại xét tuyển sớm, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp, bảo đảm công bằng, ổn định trên toàn hệ thống.

Tính đến thời điểm này, đã có gần 703.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Theo quy định đến 17 giờ ngày 30-7, thí sinh phải hoàn tất việc đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống. Năm nay, thí sinh tiếp tục được đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trong thời gian quy định.

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy khuyến nghị, thí sinh không nên để đến phút chót mới đăng ký. Khi đăng nhập trên hệ thống, các em cần bảo mật tài khoản. Nếu bảo mật không tốt, có người khác có thể tự ý đăng nhập vào tài khoản và sắp xếp thứ tự nguyện vọng không đúng theo mong muốn của mình, khi đó các em vẫn phải chấp nhận kết quả này nếu như hệ thống đã hết thời gian “mở cổng” đăng ký.

Dù không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, dễ dẫn tới việc bối rối, lúng túng, nhầm lẫn trật tự giữa các nguyện vọng. Việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng cũng gây lãng phí khi nộp lệ phí tuyển sinh.

Thay vào đó, các em cần có chiến thuật, chiến lược sắp xếp thứ tự nguyện vọng hợp lý và có những phương án đề phòng rủi ro, để nếu không trúng tuyển những nguyện vọng cao, những trường top đầu vẫn có thể trúng tuyển ở những trường tốt nhưng ở mức độ cạnh tranh thấp hơn.

Từ ngày 31-7 đến 17 giờ ngày 6-8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến. Từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 31-7, thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học trên hệ thống.

Trước 17 giờ ngày 19-8, thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1. Chậm nhất là 17 giờ ngày 27-8, tất cả thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

Tin cùng chuyên mục