16 địa phương có nguy cơ không đảm bảo tiến độ số hóa sổ hộ tịch

Đến nay đã có 17 tỉnh/thành phố đã hoàn thành xong nhiệm vụ số hóa sổ hộ tịch, 30 tỉnh/thành phố dự kiến hoàn thành nhiệm vụ trong nửa đầu quý 3 năm 2024 và 16 tỉnh/thành phố có nguy cơ không bảo đảm tiến độ số hóa theo quy định (trước ngày 1-1-2025).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Theo báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, các cơ quan đăng ký hộ tịch trên cả nước đang lưu trữ trên 8 triệu sổ đăng ký hộ tịch các loại, tương ứng với hơn 100 triệu dữ liệu hộ tịch.

Cho đến nay, thực hiện kế hoạch số hóa dữ liệu hộ tịch, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện số hóa 2.524.892 sổ hộ tịch với hơn 60 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên 50 triệu dữ liệu (một số địa phương vẫn đang tiếp tục cập nhật). Đến nay đã có 17 tỉnh/thành phố đã hoàn thành xong nhiệm vụ số hóa, 30 tỉnh/thành phố dự kiến hoàn thành nhiệm vụ trong nửa đầu quý 3 năm 2024. Tuy nhiên, có 16 tỉnh/thành phố tiến độ số hóa sổ hộ tịch còn chậm, có nguy cơ tiến độ số hóa không được bảo đảm theo quy định (trước ngày 1-1-2025).

Nhận thức của các cơ quan có liên quan chưa chính xác, đầy đủ về nhiệm vụ số hóa, công tác này cũng chưa được quan tâm bố trí kinh phí; nhân lực, cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng. Đặc biệt, phần mềm/công cụ phục vụ việc số hóa (phần mềm 158) vẫn cần phải chỉnh sửa, hoàn thiện nhưng nguồn lực chưa đáp ứng được như mong muốn.

HT.jpg
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện số hóa 2.524.892 sổ hộ tịch với hơn 60 triệu dữ liệu. Ảnh minh họa

Một số dữ liệu hộ tịch không thể cập nhật vào hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử do cảnh báo nội dung thông tin đăng ký không đúng, không cho lưu đối với trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ khi người mẹ mới 12, 13 tuổi; đăng ký khai sinh của anh chị em song sinh cùng thông tin nhân thân; đặt tên theo tiếng dân tộc có ký tự đặc biệt…

Nhiều sổ hộ tịch qua các giai đoạn bị thiếu trường thông tin hoặc thông tin đồng bộ không chính xác như chức danh người ký, người đi khai, loại việc, giới tính. Sổ đăng ký hộ tịch còn rất nhiều sai sót do lỗi ghi chép của công chức hộ tịch, chữ viết của công chức tư pháp hộ tịch trong sổ hộ tịch không đọc được do xấu và quá mờ, nhiều quyển sổ rách không đầy đủ thông tin, trùng lặp thông tin…

Để hoàn thành được nhiệm vụ quản lý dân cư, cùng với sự quan tâm sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh/thành ủy và lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, các sở tư pháp cần phát huy vai trò tham mưu tích cực, theo sát trong quá trình triển khai thực hiện; tổng hợp, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cả về kỹ thuật và nghiệp vụ hộ tịch.

Tin cùng chuyên mục