155 năm kết thúc lịch sử Samurai- Bài 2: Binh đao Samurai trong lịch sử Nhật

155 năm kết thúc lịch sử Samurai- Bài 2: Binh đao Samurai trong lịch sử Nhật

Samurai luôn giắt hai thanh kiếm. Thanh katana dùng giao tranh ngoài chiến trường và thanh wakizashi (ngắn hơn) dùng cho cận chiến. Giới nghiên cứu lịch sử đều công nhận rằng kỹ thuật rèn katana là một trong những kỹ thuật làm kiếm tuyệt hảo nhất lịch sử văn minh thế giới. Nghề làm kiếm cổ truyền tại Nhật gần như biến mất sau Thế chiến thứ hai, khi phe Đồng minh tịch thu và phá hủy khoảng 5 triệu thanh gươm và cấm sản xuất gươm mới. Hiện nay, nghề làm kiếm cổ truyền Nhật được khôi phục ít nhiều.

Kiêu hùng và quyền lực

155 năm kết thúc lịch sử Samurai- Bài 2: Binh đao Samurai trong lịch sử Nhật ảnh 1
Nghi lễ seppuku của Samurai

Samurai và shogun không chỉ là kiếm sĩ. Như các nhân vật kiếm khách Trung Hoa, Samurai cũng uyên bác thi văn, sành sõi nghệ thuật cắm hoa, thư pháp và họ thường tổ chức các buổi tao ngộ với giới văn nho để đàm luận thế sự hoặc thưởng thức kịch Noh.

Thời cuộc chiến kinh hoàng Onin (1467-1477), khi hầu hết Kyoto bị thiêu thành tro, các đầu lĩnh Samurai vẫn giải trí bằng cách làm thơ và vận trang phục lụa sặc sỡ. Và trong tất cả sinh hoạt văn hóa Samurai, trà đạo được xếp hàng đầu. Trước thế kỷ 13, giới Thiền gia giới thiệu nghệ thuật uống trà cho các tướng quân thuộc bộ tộc Ashikaga. Yoshimasa, shogun thứ tám của Ashikaga, cải đổi nghệ thuật trà đạo theo hình thức đơn giản hơn và đó chính là cách mà nghệ thuật trà đạo ngày nay được phổ biến tại Nhật.

Với Samurai, pha và uống trà là nghi lễ đặc biệt. Khi pha hoặc uống trà, Samurai không được phép mang gươm. Vài Samurai xem bộ đồ trà quý ngang với thanh kiếm oai hùng của mình. Một tài liệu cổ từng miêu tả về tướng quân Kanamori Yoshishige như sau: “Ông bảo vệ lâu đài Kishiwada và chỉ mình ông đã lấy được 208 cái đầu. Và ông cũng là bậc thầy về trà đạo”.

Dù vậy, nói đến Samurai là nói đến hình ảnh kiêu hùng và quyền lực của họ. Giai đoạn khốc liệt và đẫm máu nhất lịch sử Samurai xảy ra vào giữa thế kỷ 15, khi các bộ tộc mạnh nhất giao chiến với nhau trong giai đoạn 100 năm gọi là Sengoku Jidai (thời đất nước binh đao).

Đặc tính các trận chiến thời kỳ này đã thay đổi nhiều so với những giai đoạn trước. Như các cuộc binh lửa tại châu Âu cùng thời (giai đoạn Trung cổ), người ta bắt đầu thấy cuộc giao chiến quy mô với đoàn quân hàng chục ngàn Samurai vây kín lâu đài kẻ thù. Không chỉ gươm, họ còn mang súng hỏa mai, thứ vũ khí được giới thám hiểm Bồ Đào Nha mang đến Nhật vào năm 1543.

Người Nhật nhanh chóng bắt chước kỹ thuật chế tạo súng hỏa mai và chỉ 30 năm sau, các đạo quân Samurai đã đứng đầu thế giới về sử dụng súng ngoài chiến địa. Trận chiến bắt đầu dài hơn, đẫm máu hơn và có tính quyết định hơn.

Khi một thủ lĩnh thất bại, cả vùng bị rơi vào tình trạng thất nghiệp và đầy dẫy chiến binh Samurai vô chủ (ronin). Nước Nhật tiếp tục tiêu điều bởi các cuộc nội chiến, cho đến thời Tokugawa Ieyasu, người được xem là shogun mạnh nhất lịch sử Samurai. Bằng quyền lực mạnh tuyệt đối, Tokugawa Ieyasu kêu gọi tất cả thủ lĩnh bộ tộc cùng dàn xếp mâu thuẫn và sống trong yên ổn. Trước Tokugawa Ieyasu, hai đại thủ lĩnh Samurai - Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi - cũng từng kêu gọi chấm dứt nội chiến và thống nhất đất nước. Tuy nhiên, vụ ám sát Oda Nobunaga bởi một tướng quân thù nghịch đã khiến kế hoạch trên không thành.

Cái chết Toyotomi Hideyoshi vào năm 1598 đã tạo ra trận giao tranh đẫm máu nhất lịch sử Samurai nhưng cũng đưa đến sự xuất hiện vị tướng quân 58 tuổi Tokugawa Ieyasu (từng chiến đấu dưới hàng ngũ Hideyoshi lẫn Nobunaga). Ba năm sau trận chiến kinh hoàng vào ngày 21-10-1600, Ieyasu giành ngôi shogun, người đầu tiên trong 15 người thuộc triều đại Tokugawa. Đến trước khi chết năm 1616, Ieyasu đã tiêu diệt tất cả đối thủ và đặt dấu chấm hết cho thời kỳ binh đao huynh đệ tương tàn.

Vẫn mãi là một biểu tượng văn hóa

Trong 250 năm cai trị của triều đại shogun Tokugawa, hòa bình được tái lập tại Nhật. Chính quyền phong kiến Tokugawa, đóng tại Edo, chia xã hội thành bốn loại: Samurai, nông dân, thợ thủ công và thương nhân. Luật quy định cách sống cho từng đẳng cấp (ăn mặc ra sao, kiếm tiền bằng cách nào và sử dụng vũ khí gì…). Chiếm khoảng 2 triệu người (6% dân số), Samurai trở thành những người có vị trí được trọng vọng nhất.

Để đổi lại việc cam kết bảo vệ chính quyền khi có loạn, Samurai được hưởng lương, trả bằng gạo tính bằng 60% thuế canh tác nông dân. Trong quá khứ, nhiều Samurai từng là nông phu; bây giờ, họ sống trong lâu đài và chẳng làm gì ngoài việc mài gươm thật bén.

Ở đẳng cấp cao, họ cũng bị cấm thưởng thức những thú giải trí nghèo hèn như kịch kabuki, geisha... Tuy nhiên, trong khi gươm vẫn sáng và bén ngọt như dao cạo, Samurai mất dần kỹ năng chiến đấu. Do vậy, người ta thiết lập các điều luật mới nhằm rèn luyện thể lực cũng như tinh thần cho Samurai. Đó là những cẩm nang đầu tiên dạy cách cầm gươm và cả cách nói chuyện trước thượng cấp hoặc hạ cấp. Nhờ vậy, võ thuật phát triển và trở thành một truyền thống của dân tộc Nhật. Hàng triệu trẻ em Nhật hiện vẫn tập vài môn kinh điển Samurai thời Edo, như kendo (kiếm đạo) hoặc kyudo (cung đạo)…

Triều đại Tokugawa sụp đổ bất ngờ, bắt đầu từ năm 1853, khi đoàn tàu chiến của thiếu tướng hải quân Mỹ Matthew Perry cập cảng Nhật. Đối mặt sức mạnh quân sự hải ngoại, shogun hủy bỏ chính sách bế quan tỏa cảng và bắt đầu giao dịch thương mại với ngoại quốc. Sự kiện này làm bùng nổ làn sóng phản đối Tokugawa cũng như Samurai. Lực lượng đối lập tổ chức và quy tụ nông dân mở chiến dịch lật đổ triều đại Tokugawa.

Chính quyền mới, Minh Trị, trở thành dấu hiệu khai mở thời kỳ mới cho nước Nhật và đẩy lùi Samurai dần vào bóng tối. Chế độ Minh Trị xóa bỏ chính sách phân biệt giai cấp, tịch thu tài sản và ngưng trả lương cho Samurai và thậm chí cấm Samurai mang gươm. Nhiều Samurai từng giúp triều đình trước kia nay cảm thấy bị phản bội. Họ tổ chức loạt cuộc dấy loạn vào thập niên 1870 nhưng đều bị dập tắt. Thời huy hoàng của Samurai kết thúc. Dù vậy, như nàng kiều geisha, như trà đạo, như bộ kimono…, Samurai đến nay vẫn là một trong những biểu tượng nổi bật và đại diện của văn hóa Nhật.

PHÚC CẨM (tổng hợp)


Bài 1: Dấu ấn Samurai

Tin cùng chuyên mục