Theo nguồn tin của Báo SGGP, 150 xe buýt điện của 17 tuyến kết nối metro số 1 tuyến Bến Thành- Suối Tiên do Tập đoàn Phương Trang (FUTA Group) và Kim Long Motors (Trung Quốc) liên kết sản xuất tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Thừa Thiên Huế. Mỗi xe buýt điện có mức giá dao động khoảng 4-6 tỷ đồng/xe, tùy vào các thông số kỹ thuật. Đây là mức giá tương đương với các dòng xe buýt điện khác đang lưu hành tại Việt Nam.
Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang Futabuslines (Futabuslines - đơn vị vận tải trúng thầu) đầu tư xây dựng 23 trụ sạc tại hai bãi xe trên Quốc lộ 13 và bãi xe trên Xa lộ Hà Nội. Mỗi trụ sạc được cùng lúc 2 xe.
Chi phí đầu tư xây dựng một trụ sạc nhanh trung bình khoảng 500-700 triệu đồng, tùy công suất và công nghệ sạc. Chi phí này bao gồm thiết bị sạc, lắp đặt hệ thống điện và phần mềm quản lý vận hành.
Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có như các bến xe, trạm dừng nghỉ… để xây dựng thêm hệ thống trạm sạc pin nhằm đảm bảo việc sạc nhanh và hiệu quả cho tất cả các dòng xe buýt thuần điện, đáp ứng yêu cầu vận hành liên tục. Cụ thể, Bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức), Bến xe miền Tây và các trạm dừng, đỗ trong mạng lưới tuyến xe buýt điện trên địa bàn TPHCM.
Hiện các trạm sạc xe buýt điện của Phương Trang chưa cho xe điện cá nhân (ô tô điện của người dân) sử dụng. Trạm sạc này chỉ dành riêng cho xe buýt điện thuộc hệ thống của Phương Trang nhằm đảm bảo hoạt động vận hành xe buýt công cộng.
Theo Phương Trang, nếu trong tương lai các trạm sạc mở rộng để phục vụ xe cá nhân, giá sạc dự kiến sẽ dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kWh. Dự kiến, đối với ô tô điện có dung lượng pin khoảng 50-60 kWh, chi phí mỗi lần sạc đầy sẽ vào khoảng 150.000-180.000 đồng/lần sạc. Sạc nhanh (khoảng 30 phút) hoặc sạc chậm (khoảng 6-8 tiếng) tại trạm sạc.