Ngày 10-10, tại hội nghị tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhân ngày Sức khỏe tâm thần Thế giới (10-10), Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hàng năm, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% các ca tử vong chung trên toàn thế giới. Đặc biệt, trong các bệnh không lây nhiễm, vấn đề rối loạn tâm thần đang rất phổ biến, có chiều hướng gia tăng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Tổ chức Y tế Thế giới đã ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.
Số người bị các rối loạn về sức khỏe tâm thần đang gia tăng |
Đối với Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp chiếm khoảng 14,9% dân số, tương đương 15 triệu người, trong đó phần lớn là trầm cảm và lo âu, chiếm từ 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác. Ở trẻ em có hơn 3 triệu trẻ có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo |
Đáng lo ngại, hiện nay công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó tuyến huyện hầu như không cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nội trú về tâm thần; việc lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần trong chăm sóc sức khỏe chung, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu còn nhiều hạn chế, hầu như chỉ cơ sở chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ, hầu hết các bệnh viện chuyên khoa như: nhi, sản-nhi, lão khoa không có khoa tâm thần. Nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần còn thiếu khi cả nước chỉ có 605 bác sĩ tâm thần, đạt 0,62 bác sĩ/100.000 dân, thấp hơn so với trung bình toàn cầu (1,7 bác sĩ).