14 hiệp hội góp ý Dự thảo quyết định ban hành định mức chi phí tái chế

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng với 13 hội, hiệp hội có văn bản gởi Bộ TN-MT, Hội đồng EPR Quốc gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam góp ý đối với Dự thảo Quyết định ban hành định mức chi phí tái chế (Fs) cần hợp lý đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm và một số đề xuất để triển khai đóng góp tài chính cho trách nhiệm tái chế trong EPR được hiệu quả, giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo dự thảo, Fs được tính giá trị trung bình giữa hai kết quả của đề xuất các chuyên gia Tổ chức IFC/WWF và đề xuất của Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam, nhưng hai đề xuất có sự khác nhau rất lớn về các chi phí cấu thành. Hơn nữa, Fs Việt Nam đang cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước khác.

Các hiệp hội góp ý dự thảo quyết định ban hành định mức chi phí tái chế

Các hiệp hội góp ý dự thảo quyết định ban hành định mức chi phí tái chế

Bên cạnh đó, công thức tính Fs trong dự thảo hoàn toàn bỏ qua yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp tái chế từ vật liệu tái chế, hay giá trị thu hồi của bao bì, không theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được.

Hiện, các vật liệu tái chế được các doanh nghiệp thu gom hết nên rất ít có nguy cơ với môi trường. Do vậy, sẽ không hợp lý nếu yêu cầu nhà sản xuất đóng góp để hỗ trợ nhà tái chế trong khi các đơn vị tái chế đó đang có lãi.

Từ phân tích trên, các hiệp hội kiến nghị cần kiểm tra lại tính hợp lý của các số liệu trong các nghiên cứu. Có thể đưa thêm các đề xuất Fs từ 2 nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân và Liên minh Tái chế Việt Nam vào xem xét.

Dù EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, tức là thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền) đã được nhắc đến trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005, nhưng chưa từng có hướng dẫn chi tiết và cũng chưa bắt buộc thực hiện.

Luật BVMT 2020 là lần đầu tiên yêu cầu bắt buộc thực hiện EPR và Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Dự thảo Quyết định Fs là lần đầu tiên đưa ra hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, do đó rất cần thời gian để hướng dẫn thực hiện. Cùng với đó, các hiệp hội kiến nghị cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm.

Doanh nghiệp phải nộp tạm ứng lên tới nhiều ngàn tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường từ đầu năm 2024 sẽ gây khó khăn trong sản xuất

Doanh nghiệp phải nộp tạm ứng lên tới nhiều ngàn tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường từ đầu năm 2024 sẽ gây khó khăn trong sản xuất

Theo hướng dẫn của Bộ TN-MT, doanh nghiệp phải nộp tạm ứng một khoản đóng góp ước tính lên tới nhiều ngàn tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường từ đầu năm 2024 cho các sản phẩm dự kiến sản xuất, nhập khẩu. Số tiền này sẽ nằm trong quỹ đến tận cuối năm 2025 mới được giải ngân trong khi nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Đối với phần bao bì sản phẩm đã sử dụng vật liệu tái chế, đề nghị cần có chính sách và quy định cụ thể về việc ưu đãi miễn giảm trong đóng góp hỗ trợ tái chế để tạo đầu ra cho thị trường vật liệu tái chế và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phụ thuộc vào nguồn vật liệu nguyên sinh trong sản xuất, tạo đầu ra cho ngành tái chế và giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành tái chế, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tin cùng chuyên mục