14 hiệp hội đề nghị tính lại chi phí tái chế

Sau 3 hội thảo được tổ chức vào các ngày 23-3, 27-6 và 28-7, mới đây, 13 hiệp hội ngành hàng trong nước và Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tiếp tục có công văn gửi 9 bộ trưởng liên quan và Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề nghị xem xét tháo gỡ 2 vướng mắc lớn trong dự thảo định mức chi phí tái chế (Fs) sản phẩm, bao bì thải bỏ.

9 bộ trưởng được các hiệp hội gửi công văn gồm: Bộ TN-MT, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT và Văn phòng Chính phủ.

Các hiệp hội đã ký chung công văn gồm: Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM, Hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam…

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, bắt đầu từ năm 2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ (EPR). Để thực hiện trách nhiệm này, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Các hiệp hội khẳng định hoàn toàn ủng hộ chính sách bảo vệ môi trường để hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, dự thảo định mức chi phí tái chế Fs vừa được Bộ TN-MT trình Thủ tướng Chính phủ ngày 27-7, mặc dù đã được điều chỉnh so với ban đầu, nhưng vẫn có nhiều định mức tái chế Fs cao bất hợp lý, gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp.

Một hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo định mức chi phí tái chế Fs do VCCI tổ chức vào ngày 28-6

Một hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo định mức chi phí tái chế Fs do VCCI tổ chức vào ngày 28-6

Các nhà tái chế có lãi lớn, cần tính toán lại công thức Fs

Cụ thể, dự thảo đã nêu ra một số định mức chi phí tái chế Fs tại Việt Nam cao hơn cả mức Fs trung bình của 14 nước Tây Âu (chẳng hạn cao gấp 1,26 lần với nhôm, cao hơn 2,12 lần với thủy tinh; trong khi đáng lẽ chi phí tái chế của Việt nam chỉ bằng 1/2-1/3 Tây Âu, vì chi phí nhân công của Việt nam chỉ bằng 1/10 của các nước Tây Âu).

Các hiệp hội này cho rằng, nguyên nhân chính của dự thảo Fs cao bất hợp lý là do chưa áp dụng kinh tế tuần hoàn để tính Fs khi chưa trừ đi giá trị thu hồi được. Chẳng hạn, chỉ riêng 3 loại bao bì giấy, nhựa và kim loại, phí tái chế phải nộp ước tính là 6.127 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, hơn 50% phí tái chế phải nộp (khoảng 3.064 tỷ đồng/năm) là để hỗ trợ tái chế bao bì giá trị cao như bao bì kim loại, giấy carton…

Trong khi, các nhà tái chế chính thức (chuyên tái chế) đang có lãi lớn, riêng tái chế lon nhôm, ước tính thu lãi khoảng 700 tỷ đồng đến 1.286 tỷ đồng/năm. Tái chế bao bì sắt và giấy cũng đang có lãi lớn.

“Việc các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng phải nộp thêm nhiều ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nhà tái chế đang có lãi lớn là rất bất hợp lý”- các hiệp hội này lên tiếng.

Bởi, công thức tính Fs như trong dự thảo là hoàn toàn bỏ qua yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp tái chế từ vật liệu tái chế, hay giá trị thu hồi của bao bì.

Cộng thêm nhiều ngàn tỷ đồng phí tái chế cho các loại bao bì, phương tiện giao thông, sản phẩm thải bỏ khác, đây là những khoản chi phí rất lớn, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy giá sản phẩm tăng cao, đặc biệt là trong tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay.

Theo các hiệp hội, lợi nhuận mà các doanh nghiệp tái chế đang hưởng là rất lớn

Theo các hiệp hội, lợi nhuận mà các doanh nghiệp tái chế đang hưởng là rất lớn

Đề nghị miễn giảm định mức nếu sử dụng bao bì thân thiện môi trường hoặc đã tái chế

Qua đó, các hiệp hội đề xuất điều chỉnh định mức chi phí tái chế Fs hợp lý hơn, căn cứ vào nghiên cứu của Liên minh Tái chế Việt nam PRO, thực tiễn tái chế của Việt nam và mức phí tái chế trung bình thị trường, xem xét lại các hệ số áp dụng định mức.

Bằng việc điều chỉnh lại các hệ số định mức áp dụng, theo các hiệp hội, chỉ riêng phí tái chế 3 loại bao bì giấy, nhựa và kim loại sẽ giảm từ 6.127 tỷ đồng xuống còn 3.146 tỷ đồng. Đây là cách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm sức ép lên người tiêu dùng, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường.

Trong công văn ký ngày 18-8, các hiệp hội này tiếp tục đề nghị dự thảo thay đổi cách nộp kinh phí đóng góp tái chế từ tạm ứng trước vào đầu năm 2024, sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm (tức nộp vào tháng 5-2025), để doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường mà giảm được khó khăn, giống với cách nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là nộp vào đầu kỳ sau.

Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức.

“Cho phép áp dụng hệ số điều chỉnh Fs bằng 0 đối với bao bì đã sử dụng vật liệu tái chế ở Việt Nam và bằng 0,5 đối với các loại vật liệu thân thiện với môi trường”- các hiệp hội nêu đề xuất.

Tin cùng chuyên mục