Các cuộc tranh tài trong Hội thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 9-7 đến hết ngày 13-7 với 9 môn thi đấu chính thức của giải vô địch, gồm: Điền kinh, bơi lội, bóng bàn, cử tạ, cầu lông, cờ vua, Boccia, Judo và quần vợt.
Tổng số bộ huy chương dự kiến của giải trên 700, trong đó môn điền kinh có 292 bộ (153 nam, 139 nữ); bơi 208 bộ (110 nam, 98 nữ); bóng bàn 43 bộ (21 nam và 17 nữ; 5 nội dung nam, nữ phối hợp); cầu lông 21 bộ (11 nam, 9 nữ và 1 bộ đôi nam nữ); cử tạ 20 bộ (10 nam, 10 nữ); cờ vua 24 bộ (12 nam, 12 nữ); Boccia 5 bộ (3 bộ cá nhân, 2 bộ đồng đội); Judo gồm 15 nội dung cá nhân nam, nữ các hạng cân. Quần vợt 2 bộ (đôi và cá nhân nam).
Theo Ban tổ chức, thông qua Hội thi lần này sẽ phát hiện các VĐV tài năng trẻ của người khuyết tật để bổ sung cho đội tuyển quốc gia. Đồng thời, đây là một trong những cơ sở để tuyển chọn thành lập các đội tuyển quốc gia tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ III tại Indonesia, gồm 7 môn: Bơi, điền kinh, cử tạ, bóng bàn, cầu lông, cờ vua và Judo.
Hội thi lần này dự kiến có 29 đoàn từ các tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia, với 1.300 VĐV khuyết tật, gần 170 trọng tài được huy động và 150 tình nguyện viên đã sẵn sàng phục vụ công tác tổ chức.
Ông Nguyễn Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng, cho biết công tác chuẩn bị của địa phương về cơ sở vật chất, lực lượng trọng tài, lực lượng tình nguyện viên, công tác bảo vệ, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, chuẩn bị khách sạn để đón tiếp các đoàn về dự đang được hoàn tất. Khẩu hiệu của giải là: “Rèn luyện thân thể bảo vệ tổ quốc, rèn luyện thân thể kiến thiết đất nước” “ Đoàn kết, trung thực, công bằng, nhân ái”, “ Hướng tới Paralympic châu Á lần thứ 3 – 2018”.
Đồng hành cùng Hội thi năm nay là Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam. Cùng đồng hành với Hội thi năm nay còn có Quỹ Parasport, nhà tài trợ gắn bó cùng với thể thao người khuyết tật Việt Nam suốt trong 4 năm qua.