Nhưng rồi, 1,3 tỷ đồng vẫn không cứu được con trai Tròn. Tròn buồn lắm nhưng vượt qua nỗi buồn, Tròn lại vui. Tròn vui vì tình người. Và rồi, từ 1,3 tỷ đồng ấy, Tròn lại viết tiếp câu chuyện đẹp đẽ đến ngỡ ngàng giữa đời thường…
Bất hạnh mà lòng ấm
Mưa nặng hạt liên tục trút xuống mái nhà làm cho ngôi làng quê Tròn ở vùng cao thôn Hà Thành, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) thêm phần u ám. Mưa càng lâu thì lòng Tròn càng nặng trịch. Đưa mắt nhìn lên di ảnh của thằng con trai, nước mắt Tròn lại lăn dài.
Tròn trách ông trời sao bỗng dưng cướp đi mất đứa con của Tròn. “Nó học giỏi lắm. Mới học lớp 3 thôi. Ai mà ngờ lại xảy ra chuyện buồn với gia đình em như vầy hả anh?” - Tròn bấm chặt hai ngón tay cố kiềm nỗi đau.
Tròn tên đầy đủ là Đinh Văn Tròn, người đồng bào dân tộc H’re. Năm nay Tròn đã 34 tuổi. Nhà nghèo, gia sản quý giá nhất của vợ chồng Tròn là 2 thằng con trai. Thằng lớn 8 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tháng tuổi. Rồi tai bay họa gió ập đến, con trai đầu của Tròn là em Đinh Tiến Đạt bị bệnh viêm cơ tiêm cấp, biến chứng rối loạn nhịp tim, suy tim, suy chức năng đa cơ quan dẫn tới hôn mê sâu phải chuyển ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng trong khi gia đình không có đồng bạc nào.
Ngày con Tròn đổ bệnh thì Tròn mới lên Tây Nguyên đi hái cà phê thuê được 4 ngày. Nghe tin dữ, Tròn vội bỏ ngang buổi hái cà phê đón xe đò chạy ngược ra Đà Nẵng mà lòng rối như tơ vò. Đến bệnh viện, nghe y bác sĩ bệnh viện thông báo về bệnh tình của đứa con trai đang “ngàn cân treo sợi tóc”, phải dùng máy ECMO phục hồi tim mới có cơ may giành lại sự sống mà Tròn như chết lặng.
Bác sĩ cho biết: “Nếu sử dụng máy ECMO cho con anh thì chi phí phải tốn chí ít cũng hơn 300 triệu”. Tròn nghe xong như muốn khụy ngã, bởi dù có bán cả gia sản một đời chắt chiu cũng chưa đến trăm triệu đồng thì lấy đâu ra số tiền lớn ấy mà chạy chữa, giành giật lại sự sống cho con. Tròn thất thểu, bao đêm tựa vách hành lang ở Khoa hồi sức Nhi mà lòng đau nghiến. Tròn hận cuộc đời mình, hận mình bất lực cứu con.
Đêm xuống, nghĩ tới con thì Tròn lại khóc. Tròn chẳng có tiền nên câu nói “Còn cách nào cứu con tôi nữa không bác sĩ” đã làm y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi cảm động. Như thấu hiểu được nỗi đau của một người cha, các y bác sĩ của bệnh viện đã ra sức kêu gọi quyên góp.
Câu chuyện về hoàn cảnh éo le của Tròn đã được Báo SGGP và một số cơ quan báo chí khác chuyển tải và viết bài vận động quyên góp. Như một phép màu, chỉ sau vài ngày vận động, số tiền từ vạn tấm lòng thơm thảo đã đến với cha con Tròn. 1,3 tỷ đồng là tổng số tiền mà Tròn nhận được để cứu con.
Tròn hạnh phúc đến rơi nước mắt. Tròn ngẫm, vậy là đã dư tiền chạy chữa cho con, mà tiền này cũng không phải tiền của mình, tiền ấy là tiền của tình người. Vậy là Tròn nghĩ ngay đến chuyện phải làm một điều gì đó thật xứng đáng với bao tấm lòng tốt.
Tròn xin được trích 300 triệu đồng trong số 1,3 tỷ đồng mà Tròn nhận được để hỗ trợ cho quỹ “Cho bệnh nhân dùng máy ECMO”. Rồi Tròn lại muốn chia sẻ niềm vui ấy với các người cha, người mẹ đang có con cũng bị bệnh như con trai Tròn nên Tròn đã cầm 35 triệu đồng tiền mặt hỗ trợ cho 7 trường hợp. Tròn gọi đó là sự san sẻ yêu thương.
Nhưng, niềm vui chưa được tày gang thì 2 ngày sau khi Tròn đi chia sẻ sự nhân ái, tử tế với đời từ 1,3 tỷ đồng của mình thì con trai Tròn trở bệnh đột ngột và qua đời. Nỗi đau như xé lòng. Bệnh nhân, bác sĩ ở khoa Hồi sức Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng ai nấy mắt đều đỏ hoe.
“Tiền này tôi không nhận, tôi xin hỗ trợ cho em K’Rể”
Hôm Báo SGGP chuyển về cho tôi 17,5 triệu đồng (đây là số tiền bạn đọc gửi trực tiếp cho báo để hỗ trợ cho hoàn cảnh của em Đinh Tiến Đạt là con trai của Tròn, cộng thêm 2,5 triệu đồng bạn tôi hỗ trợ là 20 triệu đồng), tôi đã đem đến tận nhà Tròn. 2 cái phong bì tôi trao tận tay cho Tròn và nhờ Tròn xác nhận số tiền có sự chứng kiến của ông Đinh Phủ, trưởng thôn Hà Thành. Cầm tiền trên tay, Tròn cảm ơn rồi cầm vội cây bút ghi vào dòng xác nhận: “Tôi Đinh Văn Tròn đã nhận đủ số tiền và gia đình tôi trao lại cho cháu Đinh Văn K’Rể”.
Ghi xong thì Tròn ngước lên nhìn tôi nói đầy tình người: “Em xin phép không nhận số tiền này anh ạ. Cũng nhờ anh nói với mọi người đừng hỗ trợ cho con em nữa, cháu nó mất rồi. Gia đình em đã nhận quá nhiều ân huệ của mọi người. Em sẽ trao số tiền này cho cháu Đinh Văn K’Rể, cháu bé tí hon 12 tuổi mà nặng có 4,3kg. Gia đình cháu ấy cũng rất nghèo, cháu ấy lại đau ốm triền miên”.
Việc nghĩa của Tròn khiến tôi cảm lòng. Tôi và một bạn đồng nghiệp ở Báo Tuổi Trẻ quyết định chở Tròn vượt núi thêm 35km nữa để đến Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba trao số tiền này cho cậu bé tí hon Đinh Văn K’Rể.
“Đây là 17,5 triệu đồng Báo SGGP đã hỗ trợ cho con tôi. Và đây là 2,5 triệu đồng anh Huy và anh Ninh trao thêm cho con tôi. Giờ con tôi không còn trên đời này nữa. Tôi xin trao lại số tiền này cho anh để anh chăm sóc cho cháu” - Tròn trao 2 cái phong bì 20 triệu đồng cho anh Đinh Văn An (cha của Đinh Văn K’Rể). Ai nấy đều cảm động. Các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba cũng động lòng trước nghĩa cử của Tròn.
Cuối chiều, chúng tôi cùng Tròn ngược núi trở lại làng Hà Thành. Thầy Đặng Như Cương - người đã luôn đồng hành cùng K’Rể suốt 7 năm qua - dù đã chuyển công tác xuống Trường Tiểu học và THCS Sơn Nham nhưng nghe tin Tròn lên hỗ trợ cho K’Rể cũng đến tận nơi để cảm ơn Tròn.
Thầy Cương bế theo K’Rể ra xe chúng tôi về tận nhà Tròn. Thầy Cương và K’Rể thắp nén nhang cho con Tròn xong quay ra nói: “Việc làm của Tròn rất đáng quý. Anh nhận được số tiền ấy mà vẫn san sẻ cho người khác, không nhận hết cho mình điều tuyệt vời. Cảm ơn anh rất nhiều”. Tròn nghe vậy chỉ cười. Tròn nghĩ đó là việc nên làm.
Và rồi, ngày 3-1, Tròn đã trở lại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng sau hơn 20 ngày đám tang cho con để làm thủ tục thanh toán viện phí. Chị Trần Cao Thanh Bình - Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng không giấu được xúc động khi kể về Tròn. Ngày ra lại bệnh viện, Tròn lại tiếp tục mang 20 triệu đồng hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn đang nằm điều trị. Không ai nghĩ Tròn lại viết nên chuyện tử tế đẹp đẽ đến vậy.
“Một tấm lòng hiếm có. Anh Tròn thật nhân nghĩa trong mắt y bác sĩ chúng tôi. Khi vận động hỗ trợ cho con anh ấy, chúng tôi không thể ngờ đến những việc làm của anh ấy như bây giờ. Giá như cháu Đạt còn sống thì tốt biết bao” - chị Bình nói.
1,3 tỷ đồng của Tròn đã đến và đi giữa đời thực một cách rất tròn trịa như tên gọi của Tròn. “Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát” và câu chuyện của Tròn đã nối dài sự tử tế…
Mời tham gia Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí Người tốt - Việc tốt (2019 - 2020) Nhằm khuyến khích các tác phẩm báo chí khắc họa các gương điển hình người tốt việc tốt, nhân tố mới trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, với những việc làm, hoạt động, nghĩa cử cao đẹp đóng góp tích cực và có nhiều ý nghĩa cho cộng đồng và trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Báo SGGP mời tham gia cuộc thi phóng sự - ký sự Người tốt - Việc tốt (2019-2020). - Đối tượng và tác phẩm dự thi: Là các nhà báo, nhà văn, các cộng tác viên, các cây bút trên cả nước. Tác phẩm dự thi có độ dài tối đa 1.700 chữ với thể loại phóng sự, ký sự nhân vật về người tốt, việc tốt + ảnh minh họa thực tế. Trên tác phẩm, tác giả ghi thông tin về mình, nơi công tác, địa chỉ cư trú và địa chỉ đăng ký hộ khẩu, số giấy CMND. Tác phẩm dự thi chưa đăng bất kỳ phương tiện truyền thông nào. - Giải thưởng: 1 Giải nhất: 40 triệu đồng và 1 máy ảnh Canon trị giá 30 triệu đồng. 2 Giải nhì: 20 triệu đồng/giải và 1 máy ảnh trị Canon trị giá 20 triệu đồng. 3 Giải ba: 15 triệu đồng/giải và 1 máy ảnh Canon trị giá 15 triệu đồng. 10 Giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải và 1 máy in vi tính Canon. - Thời gian: Nhận tác phẩm dự thi từ ngày phát động 3-8-2019 đến ngày 1-3-2020. Tác phẩm dự thi xin gửi tới Tòa soạn Báo SGGP số 432-434 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM hoặc email: nguoitotviectot@sggp.org.vn. |