Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, Quỹ BHXH bắt đầu có từ ngày 1-1-1995. Trước năm 1995, không người lao động nào đóng BHXH, còn chủ sử dụng lao động chỉ đóng 1%.
Về vấn đề này, Báo SGGP trao đổi thêm với các chuyên gia. Một chuyên gia phân tích, cả nước có cả triệu người đã, đang được lãnh lương hưu đầy đủ, nhưng trên thực tế trước đó, chủ sử dụng lao động và bản thân lao động không đóng BHXH (do quỹ BHXH mới thành lập từ năm 1995). Kinh tế tư nhân mới xuất hiện ở nước ta từ sau đổi mới, hơn 30 năm trở lại đây; đa số người lao động chưa đến giai đoạn về hưu. Nên hàng triệu người đã nghỉ hưu trước đó chủ yếu thuộc cán bộ, công chức và người lao động ở các đơn vị, nhà máy, doanh nghiệp (DN) nhà nước. Và đơn vị nợ BHXH lớn nhất chính là các đơn vị, DN nhà nước.
Số tiền nợ, theo ông Bùi Sỹ Lợi, khoảng 22.000 tỷ đồng tiền gốc từ những năm trước 1995 và tính cả “lãi mẹ đẻ lãi con” thì tổng tiền nợ khoảng 100.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/5 tổng số tiền kết dư quỹ BHXH hiện nay.
Trước tình hình này, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội yêu cầu Chính phủ sớm đưa lộ trình thực hiện chuyển kinh phí từ Ngân sách hàng năm vào quỹ BHXH, để trả cho những người đã tham gia BHXH trước ngày 1-1-1995. “Chủ trương đã có, nếu chưa chuyển tiền mặt thì chuyển toàn bộ sang trái phiếu Chính phủ, coi như quỹ BHXH đầu tư vào trái phiếu Chính phủ để hưởng phần lãi suất trái phiếu” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH cho biết, hiện nay có hơn 13 triệu người (tăng 775.000 người so với năm 2015) tham gia BHXH. Các đơn vị, DN đang nợ BHXH hơn 6.550 tỷ đồng (chiếm 3,6% số phải thu), chủ yếu tập trung ở khu vực DN ngoài quốc doanh, hợp tác xã. Quỹ BHXH đang kết dư hơn 435.500 tỉ đồng (tăng 22% so với năm 2015).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá, tình trạng nợ đọng BHXH còn nhiều, nhưng việc thanh tra kiểm tra chưa tập trung vào nhóm có nguy cơ trốn đóng, nợ BHXH. Thanh tra chuyên ngành BHXH đã được thành lập, song đến nay chưa vận hành được. Vẫn chưa có giải pháp xử lý với DN nợ BHXH mà chủ bỏ trốn, khiến quyền lợi của người lao động không được đảm bảo.
Một giải pháp được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng nợ BHXH là trích tiền từ ngân hàng mà DN nợ BHXH đã mở tài khoản để chuyển trả BHXH. Tuy nhiên, đến nay vẫn không thực hiện được. Ông Lợi lý giải: “Bộ LĐTB-XH, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông tư 03 quy định, nếu DN không nộp BHXH, sẽ trích tiền từ ngân hàng mà DN mở tài khoản trả cho quỹ BHXH. Song trên thực tế, nếu ngân hàng “đụng” vào DN, lập tức DN chuyển tài khoản sang ngân hàng khác, ngân hàng mất khách nên đã không hợp tác chuyển tiền”.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, việc khởi kiện DN nợ BHXH đang bế tắc. Năm qua, các cấp công đoàn nhận từ cơ quan BHXH 2.150 hồ sơ DN nợ BHXH. Trong đó, 77 hồ sơ đã được công đoàn chuyển sang tòa án nhưng tòa án trả ngay, không thụ lý. “Tòa án nói, hành vi trốn, nợ BHXH là hành vi bị nghiêm cấm theo luật, mà DN vi phạm điều nghiêm cấm này thì phải xử phạt hành chính. Cụ thể là cơ quan thanh tra BHXH và thanh tra ngành LĐTB-XH là 2 cơ quan được xử phạt, phải phạt hành chính trước. Nếu chây ì thì có biện pháp cao hơn là cưỡng chế. Bởi thế, hiện nay ở tất cả các tòa án, hồ sơ khởi kiện DN nợ BHXH đều… bất động”- ông Mai Đức Chính phản ánh.