122.250 tỷ đồng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035: ĐBQH lo tính khả thi

Ngày 1-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Ảnh: QUANG PHÚC
Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Ảnh: QUANG PHÚC

Trình bày tờ trình chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.

Các mục tiêu tổng quát là: tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư; huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc…

1 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.jpg
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, gồm: vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng, chiếm 63% (bao gồm vốn đầu tư phát triển: 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 27.000 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng, chiếm 24,7% (bao gồm vốn đầu tư phát triển 18.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 12.250 tỷ đồng); vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng, chiếm 12,3%.

Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035.

ộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: QUANG PHÚC

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày nêu rõ, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư chương trình; việc xây dựng chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.

Ủy ban cũng nhất trí với đề xuất đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài vì nội dung này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; thống nhất quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm cơ sở pháp lý (cơ chế đặc thù thực hiện khác quy định của Luật Đầu tư công).

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có. Có ý kiến nhất trí về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức đầu tư công nhưng đề nghị không sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia mà sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước khác.

Phiên họp Quốc hội ngày 1-11.jpg
Phiên họp Quốc hội ngày 1-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, thu hẹp mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm việc bố trí nguồn lực của chương trình được trọng tâm, trọng điểm, khả thi nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa; quan tâm đầu tư phát triển văn hóa ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tốt hơn cho nhân dân.

Ủy ban cũng cơ bản nhất trí với mục tiêu của chương trình, tuy nhiên, cần xem xét tính khả thi của một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Có ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh sửa một số mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, trong đó cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên, tạo sự đột phá trong phát triển văn hóa, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước của cả giai đoạn 2026-2030 và giai đoạn 2030-2035.

Ủy ban thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời gian thực hiện Chương trình, từ năm 2025 đến hết năm 2035.

Một số ý kiến cho rằng tổng mức đầu tư của chương trình là rất lớn; cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách, nhất là nguồn vốn ngân sách địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế).jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: QUANG PHÚC

Về khả năng huy động nguồn lực để thực hiện, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp rà soát để xác định nguồn lực thực hiện chương trình bảo đảm tính khả thi.

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu (ĐB) cơ bản đồng tình với những ý kiến mà cơ quan thẩm tra nêu. ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế) đề nghị Chính phủ làm rõ số liệu và tính khả thi đối với mục tiêu số 3: “đến năm 2030, phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo”, nhất là khi số lượng di tích vẫn tăng qua từng năm.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng đề nghị cân nhắc kỹ hơn những con số cụ thể này. ĐB cho rằng, không phải tất cả các di tích đều cần tôn tạo, tu bổ, nhất là các di tích khảo cổ; giai đoạn 2012-2015, chúng ta đã có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa thực hiện nội dung này; giai đoạn 2016-2020 cũng đã thực hiện chống xuống cấp, tu bổ di tích, hỗ trợ tu bổ cấp thiết 400 di tích đã được xếp hạng. Do đó, nếu chương trình lần này đặt mục tiêu trên thì có thể dẫn đến việc di tích không cần tu bổ cũng tu bổ và “lợi bất cập hại” có thể lại biến việc tu bổ, tôn tạo thành “làm mới” di tích như đã từng xảy ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương).jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

Mặt khác, việc phân bổ nguồn lực như vậy cũng rất dàn trải, không trọng tâm, trọng điểm. Do đó, ĐB Việt Nga đề nghị chỉ đưa ra con số 100% và 80% di tích quốc gia và các di tích quốc gia đặc biệt đã xuống cấp, cần tu bổ, tôn tạo sẽ được tu bổ, tôn tạo.

Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính - một trong những vấn đề quyết định sự thành công của chương trình - là vấn đề mà các ĐB băn khoăn. Các ĐB đề nghị rà soát, đánh giá khả năng huy động tài chính, khả năng bố trí tài chính và giải ngân vốn thực hiện chương trình này.

Với các mục tiêu cụ thể khác mà chương trình đã đặt ra, các ĐB cũng đề nghị cần xem xét kỹ để bảo đảm tính khả thi.

Tin cùng chuyên mục