Bệnh viện Hùng Vương có quy mô 1.200 giường. Trong những ngày dịch bệnh Covid-19, nơi đây được chia làm 2 khu vực, một bên phục vụ sản phụ bình thường, một bên phục vụ sản phụ đang mắc Covid-19 với quy mô 120 giường. Đối với sản phụ thường sẽ có một người nhà đi kèm để chăm sóc và bệnh viện triển khai test Covid-19 thường xuyên.
Còn những sản phụ dương tính phải cách ly tại khu vực riêng, vì vậy các bác sĩ, điều dưỡng sẽ đóng cả vai trò là người nhà chăm sóc thai phụ. Bệnh viện được Sở Y tế TPHCM phân tầng 4 trong tháp 5 tầng điều trị Covid-19. Chỉ sau 1 tuần triển khai mô hình Bệnh viện điều trị Covid-19, tất cả các giường đều kín chỗ.
"Ban đầu bệnh viện chỉ nhận trường hợp sản phụ có chỉ định can thiệp, sản phụ mắc Covid-19, sản phụ có thai kỳ trên 38 tuần. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trường hợp đang mang thai 19, hơn 20 tuần khi đến BV trong tình trạng suy hô hấp nên không thể không tiếp nhận”, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, hiện Bệnh viện Hùng Vương đang đảm nhận vai trò tiếp nhận, vận hành Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 16, một phần nhân lực và vật lực phải chi viện cho nơi khác.
Hiện tại về mặt nhân sự, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn, ngoài phục vụ tại bệnh viện, một phần cán bộ y tế phải chuyển đến hỗ trợ các bệnh viện dã chiến của TPHCM. Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân có rất nhiều y bác sĩ bị nhiễm bệnh hoặc trở thành F1 nên áp lực về nhân sự, gồng gánh công việc cao hơn. Chính vì vậy, hiệu suất làm việc của mọi người ở thời điểm hiện tại không phải là 100% mà lên tới 200-300%.
“Chúng tôi đều hiểu sự nỗ lực của mình sẽ góp một phần đẩy lùi bệnh tật, tìm lại sự bình an cho TPHCM. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là cứu sống người bệnh, vì vậy dù có phải tiếp xúc với dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm cao chúng tôi vẫn cố hết sức”, bác sĩ Diễm Tuyết nói.