Ông Nguyễn Duy Hiền (ở quận 10, TPHCM) cùng 70 người khác là khách hàng góp vốn mua nền dự án Thái Sơn 2 của Tổng Công ty Thái Sơn gửi đơn đến Báo SGGP, trần tình: “Sau 12 năm chờ đợi và nhiều lần gửi kiến nghị đến chủ đầu tư, hôm nay chúng tôi phải gửi đơn cầu cứu đến báo chí và cơ quan chức năng các cấp”.
12 năm chờ đợi
Theo đơn phản ánh, năm 2005 các khách hàng này đã ký với Công ty Thái Sơn (nay là Tổng Công ty Thái Sơn) hợp đồng “góp vốn đầu tư để nhận nền xây dựng nhà ở” tại khu quy hoạch dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM). Như trường hợp của ông Nguyễn Duy Hiền, hợp đồng được ký kết ngày 1-7-2005, theo đó ông đồng ý góp vốn để nhận nền xây dựng nhà ở trên diện tích 140m². Với đơn giá 2,5 triệu đồng/m², tổng giá trị hợp đồng là 350 triệu đồng. Hợp đồng ghi rõ, ngoài số tiền góp nói trên, phía khách hàng “không phải góp thêm bất cứ chi phí nào khác cho bên A (Công ty Thái Sơn) nếu chính sách thuế chuyển mục đích sử dụng đất của Nhà nước không thay đổi”. Phía Công ty Thái Sơn cũng cam kết “có trách nhiệm giao mặt bằng đã có đầy đủ hạ tầng cho bên B (khách hàng) xây dựng nhà ở theo đúng quy hoạch, sau khi xây dựng xong, bên A có trách nhiệm giao chứng nhận quyền sở hữu nhà cho bên B”. Với phương thức góp vốn, theo hợp đồng, đợt 1 bên B phải góp 30% (tương đương 105 triêu đồng) trong vòng 10 ngày. 6 tháng sau góp tiếp 30% và 9 tháng tiếp theo góp tiếp 20%. Khi khách hàng được nhận nền với đầy đủ hạ tầng thì góp tiếp 20% còn lại. Điều quan trọng, hợp đồng ghi rõ thời hạn giao nhận đất là “không quá 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng”. Theo đó, ông Hiền đã góp vốn 2 lần, với tổng giá trị tương đương 60% hợp đồng. Cũng như bao khách hàng khác, ông nhẫn nại chờ đợi đến… 6 năm sau.
Chờ quá lâu, một khách hàng là bà Bùi Thúy Hoàng Anh đã gửi thư thắc mắc đến Công ty Thái Sơn. Ngày 20-5-2011, Giám đốc đầu tư của Thái Sơn là ông Vũ Xuân Thu đã ký văn bản trả lời (số 593/CV-TS) khẳng định rằng dự án này không gặp khó khăn về tài chính, không chuyển nhượng cho đối tác khác, không bị thu hồi… Tuy nhiên, dự án đang gặp trở ngại trong công tác đền bù giải tỏa, cho tới thời điểm bấy giờ (năm 2011) còn 30% diện tích đang trong quá trình thương lượng. Và công ty cam kết “từ tháng 9-2011 tiến hành san lấp mặt bằng và triển khai làm hạ tầng vào đầu năm 2012”. Công ty Thái Sơn không quên “thành thật xin lỗi vì sự chậm trễ”. Vậy mà từ đó cho đến nay, hứa cứ hứa, còn khách hàng vẫn… tiếp tục chờ đợi!
Nỗi đau mang tên “đất nền dự án”
Bà Lê Thị Hồng (đang thuê nhà ở tạm tại quận Tân Phú, TPHCM) kể trong nước mắt: “Hồi đó (2005-2007), giá đất đai sốt dữ lắm, nghe nói chỗ này bán giá rẻ, nên tôi gom góp ít tiền cùng với bà chị ở Trà Vinh lên mua lại của người ta một nền. Giá gốc là 2,5 triệu đồng/m², nhưng mua lại tới 18 triệu đồng/m² lận, tính ra cũng tròm trèm 3 tỷ đồng. Lên công ty, họ cho sang nhượng đàng hoàng, phải tốn thêm 2% phí sang nhượng nữa mới ra hợp đồng. Nghe tôi mua đất, bà chị thứ ba trách sao mua mà không rủ. Tôi dọ hỏi thêm thì có người sang nhượng, tôi bèn hùn với bà chị này mua thêm một nền nữa, cũng giá y vậy. Phải chi của riêng mình thì không lo, đằng này hùn hạp nên lo lắm. Đêm nằm suy nghĩ, cứ đinh ninh năm tới là có nền rồi, bán đi, rút lại tiền cũng không sao, nghĩ vậy mới bớt lo. Đùng một cái, năm 2008 hết sốt đất, giá tụt thê thảm, từ 18 triệu đồng/m2 chỉ còn 7 - 8 triệu đồng/m² mà chẳng ai thèm ngó. Căn nhà đang ở quận 10 phải bán để trả nợ ngân hàng. Còn ông anh rể cứ đòi đi coi đất, mà đất đâu mà coi. Tôi phải né mặt, gia đình xào xáo, cãi vã suốt, đêm nằm ngủ cứ nhớ đến 2 chữ Thái Sơn mà ứa nước mắt. Bây giờ không còn nhà, phải đi thuê trọ”.
Không riêng bà Hồng, còn có hơn 70 khách hàng khác do sang nhượng lại đã “ngậm quả đắng” với giá sang nhượng từ 2 - 3 tỷ đồng/nền, mòn mỏi đợi chờ suốt 12 năm qua. Ngày 23-5-2017, đại diện Tổng Công ty Thái Sơn đã đồng ý tiếp xúc với tập thể khách hàng. Tại cuộc gặp này, phía Thái Sơn chỉ viện dẫn ra 2 văn bản cũ từ năm 2005 về quy hoạch địa điểm xây dựng và thỏa thuận phương án quy hoạch chi tiết, cùng lý do khó khăn về giải tỏa đền bù. Phía Thái Sơn thông tin, TPHCM vừa thanh kiểm tra các dự án trên địa bàn thành phố, trong đó có dự án Thái Sơn 2 và kiến nghị công ty “làm lại thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành”. Do đó, để hoàn thiện các thủ tục và hoàn tất giải phóng mặt bằng, nên thời gian giao nền sẽ trong vòng… 3 năm kể từ ngày có cuộc tiếp xúc này. Khách hàng nào không tiếp tục đầu tư thì có thể đề nghị thanh lý hợp đồng.
Chờ đợi suốt 12 năm, cứ hẹn rồi thất hứa, nay lại hẹn thêm 3 năm nữa… Liệu có tin được lời hứa hẹn để sớm chấm dứt nỗi đau mang tên “đất nền dự án”?